Từ khách hàng “VIP” trở thành nạn nhân

29/09/2020 14:40

(BVCL) Từ chỗ là khách hàng thân thiện, gửi tiền tiết kiệm vào một ngân hàng có chi nhánh tại Đồng Nai số tiền hàng chục tỷ đồng nên chị Lê Thị Xuân Bích (SN 1981) và anh Trần Bá Thắng (SN 1993, cùng ở Trảng Bom, Đồng Nai) được phía ngân hàng “săn đón” niềm nở trong giai đoạn đầu. Không ngờ sau đó tiền gửi không thể rút ra được, còn lại trở thành con nợ khó hiểu…

Theo đơn tố cáo của các nạn nhân, chị Bích và anh Thắng là khách hàng thường xuyên của  chi nhánh một ngân hàng tại tỉnh Đồng Nai. Ngân hàng này xác định Bích- Thắng là khách hàng VIP từ năm 2015 và được Nguyễn Thị Bích Vân (Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng) và Trần Diệu Hương (Kiểm soát viên), thường xuyên liên lạc giải quyết các thủ tục ngân hàng, đưa giấy tờ khách hàng ký khi cần giao dịch. Từ tháng 8-2018, chị Bích – anh Thắng đã mở tại ngân hàng này các sổ tiết kiệm đứng tên Lê Thị Xuân Bích: 1897789, 1897836; 1897822; CC1010021; đứng tên Trần Bá Thắng: 1782045; 1782050; 1782048; 1782046; 1782049; 1782113; 1782111; 1782112; 1782223; 1782222 và một sổ tiết kiệm online. Tổng số tiền gửi là 10, 647 tỷ đồng.

Bà Vân và Hương có huy động chị Bích chuyển từ ngân hàng khác về ngân hàng này vì có chế độ trả lãi suất cao hơn. Vào ngày 7-6-2019 và 20-6-2019, Vân và Hương vận động khách hàng vay từ ngân hàng Seabank chuyển về ngân hàng của bà đang công tác tổng cộng 4, 1 tỷ đồng. Và số tiền 8,1 tỷ đồng do khách hàng vay ngoài nộp vào tài khoản tại ngân hàng này, cộng thêm 300 triệu đồng tiền mặt theo vận động của bà Hương và Vân. Tổng số tiền gửi là 23, 151 tỷ đồng. Tại buổi làm việc ngày 20-8-2020 theo đơn khiếu nại của khách hàng Bích- Thắng, đại diện hội sở ngân hàng xác nhận ngân hàng có nhận tiền gửi tiết kiệm số lượng sổ và số tiền là đúng.

Từ khách hàng “VIP” trở thành nạn nhân

Lê Thị Xuân Bích kể về nỗi đau bị mất tiền tỷ khi gửi vào ngân hàng

Các sổ tiết kiệm được hai nhân viên ngân hàng: Nguyễn Thị Bích Vân và Trần Diệu Hương nói khách hàng VIP nên ngân hàng có chế độ quản lý giúp sổ không mất phí và an toàn hơn tự giữ ở nhà. Do tin tưởng nên các cá nhân giao cho ngân hàng giữ sổ tiết kiệm.

Trong thời gian gửi tiết kiệm tại ngân hàng, đại diện ngân hàng (bà Vân và Hương) nhiều lần nói với Bích- Thắng do ký sót chứng từ nên phải ký bổ sung. Có lúc họ mang chứng từ về nhà cho ký, có lúc đưa ký tại ngân hàng. Hai người này nói có một số chứng từ bị thất lạc nên nhờ ký giúp ngân hàng phục vụ kiểm toán chứ không ảnh hưởng gì đến số tiền đang gửi. Việc này giám đốc đã cho thực hiện để hoàn chỉnh hồ sơ, còn nếu liên quan đến tiền thì bắt buộc phải lên ngân hàng trực tiếp giao dịch mới được và phải có chứng minh nhân dân, có chữ kí đầy đủ và có camera ghi hình của khách hàng lên giao dịch. Do tin tưởng ở trách nhiệm của ngân hàng và hai cô nhân viên này nên nhiều lần Bích- Thắng ký mà không kiểm tra nội dung.

Theo quy định của pháp luật, số tiền khách hàng gửi ngân hàng có toàn quyền quản lý từ thời điểm tiếp nhận tiền gửi và ngân hàng phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng. Luật các tổ chức tín dụng, pháp luật về hoạt động ngân hàng quy định tài khoản, tiền gửi của khách hàng là bí mật, ngân hàng không được tiết lộ. Thế nhưng do lãnh đạo ngân hàng này chi nhánh tại Đồng Nai đã buông lỏng quản lý để cá nhân bà Hương và Vân tự ý truy cập, biết được số tiền của khách hàng có tại ngân hàng. Những người này đã cùng nhau sử dụng tài sản tiền gửi này để thực hiện dịch vụ bảo đảm, xác nhận số dư, bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân khác. Khi biết sự việc phản ánh thì hai bà Vân - Hương khẳng định: “Số tiền này không bị đưa ra ngoài ngân hàng và ngân hàng chịu trách nhiệm về số tiền”.

Ngày 7-7-2019, có việc cần dùng tiền nên chị Bích- anh Thắng báo cho ngân hàng này mà trực tiếp là báo cho bà Vân và Hương chuẩn bị để rút. Nhưng hai người này nói: Tiền đã phong tỏa và làm bảo lãnh nên tạm thời chưa tới hạn không được mở. Khi chị Bích – anh Thắng yêu cầu ngân hàng cung cấp cho bảo lãnh thì hai bà này nói, khoản bảo lãnh này là bảo mật của ngân hàng và của khách hàng doanh nghiệp, họ không có quyền tự ý lấy ra xem được.

Không nhận được thông báo hay nhắc nhở nào từ phía ngân hàng nhưng chị Bích – anh Thắng nghi ngờ việc làm của hai nhân viên này nên yêu cầu làm việc với giám đốc ngân hàng. Ngày 4-9-2019,  bà Hương và Vân đưa khách hàng vào phòng họp của ngân hàng. Tại đây, hai bà này giới thiệu,  ông Trần Trung Nam - Giám đốc công ty TNHH đầu tư bất động sản Pearland và bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư XNK Hoàng Kim, đều ở TP. Hồ Chí Minh. Nhóm 4 người này tiết lộ được ngân hàng lớn cấp cam kết giải ngân 700-800 tỷ đồng để mua các tài sản thế chấp quá hạn tại các ngân hàng ở:  An Giang, Long An, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Hóc Môn,… đồng thời đang làm dự án bất động sản lớn ở Quận 9, TP. Hồ Chí Minh… Hai ông bà này cũng đang được này hỗ trợ tài chính để mua tài sản thanh lý, sau đó bán lại lấy chênh lệch.

Chị Bích và anh Thắng yêu cầu gặp giám đốc ngân hàng để làm rõ thì bà Vân và bà Hương nói không gặp được, hai bà là trưởng nhóm được giám đốc giao quyền xử lý công việc trực tiếp với khách hàng. Hai nhân viên ngân hàng này cùng ông Nam, bà Tâm bảo cầm cố tài sản để hỗ trợ cho việc kinh doanh của họ. Lãi suất liên quan đến khoản cầm cố cùng thiệt hại về tài sản họ sẽ chịu trách nhiệm. Đồng thời, họ nói khoảng 1 tuần là xong, nếu không thì tiền đã gửi khó lấy được về sớm. Vì nghĩ rằng hai nhân viên ngân hàng này là trưởng phòng, có chức vụ, họ đã được lãnh đạo ngân hàng giao quyền, và tin ông Nam - bà Tâm là khách hàng thân thuộc của ngân hàng này nên chị Bích, anh Thắng mới đem tài sản của mình để đưa họ cầm cố hỗ trợ thêm với hi vọng họ xong việc sớm hơn, tiền sớm lấy lại được.

Thế nhưng sau đó một thời gian tiền cứ bị lấy đi nhiều hơn mà lãnh đạo ngân hàng này không thông báo hay làm việc với khách hàng. Còn bà Hương, Vân và ông Nam, bà Tâm cứ hứa hẹn nhiều lần, úp mở thông tin.

Khi chị Bích, anh Thắng nhận biết những giấy tờ liên quan đến dự án nhà ở tại Quận 9, TP. Hồ Chí Minh, dự án mua lại nhà máy gạo tại An Giang, các hợp đồng ký giữa Công ty TNHH đầu tư địa ốc Pearland, Công ty cổ phần đầu tư XNK Hoàng Kim với các công ty khác đều là thông tin không có thật, không có cơ sở pháp lý nào thì sự việc đã quá trầm trọng. Lúc này, chị Bích, anh Thắng yêu cầu ngân hàng này công khai thông tin liên quan đến các giao dịch với ông Nam và bà Tâm thì ngân hàng từ chối.

Theo nạn nhân, đến nay tổng thiệt hại về tài sản do cầm cố bên ngoài lên đến 43,8 tỷ đồng và hơn 1,7 tỷ đồng tiền từ tài khoản ngân hàng Techcombank và Vietcombank chuyển qua. Các khoản vay này gồm vay “nóng” ngoài xã hội, vay từ ngân hàng khác để lấy lại tài sản, lãi suất phải trả do vay “nóng” và vay tại ngân hàng. Như vậy, tổng số tiền tiết kiệm, tiền trong tài khoản, vay ngoài, và cầm cố tài sản, lãi ngoài phát sinh của bị hại hơn 68,67 tỷ đồng.

Đến nay, phía ngân hàng có chi nhánh tại đồng Nai vẫn chưa trả tiền lại cho khách hàng Bích- Thắng và khắc phục các hậu quả sai phạm. Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ khách hàng “VIP” trở thành nạn nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO