Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) (chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7) tới đã thể hiện nhiều điểm mới, khắc phục nhiều hạn chế, bất cập, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, trong đó có việc thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chiều 25/4, Trường Đại học Luật Hà Nội và Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với tổ chức Hội thảo khoa học: “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới. Trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của đất nước.
Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay. Đây là yếu tố nòng cốt để phát triển nhanh và bền vững cho kinh tế - xã hội; nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các đại biểu cũng phân tích về các tiêu chuẩn xác định nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhấn mạnh yêu cầu đổi mới quản lí nhà nước đối với nhân tài, theo hướng tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô. Hà Nội cần được quy định việc kí hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thoả thuận đối với một số vị trí việc làm cần nhân lực chất lượng cao.
Theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, để làm được điều đó, Thủ đô cần được trao quyền quyết định sử dụng ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm nhân lực chất lượng cao; mức chi căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố.
Cùng với đó, Hà Nội được quy định việc kí hợp đồng với người có kiến thức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm đã và đang làm việc ở khu vực tư hoặc ở các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lí các tổ chức, cơ quan, đơn vị của Thủ đô (đảm bảo liên thông giữa khu vực công và khu vực tư cho chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao).
Theo TS.Tạ Quang Ngọc (Trường Đại học Luật Hà Nội), việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền Thủ đô quan tâm, được thể chế hóa và áp dụng trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đặc biệt tại Thủ đô cần được đánh giá nghiêm túc về tính khả thi khi thực hiện; từ đó có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài có vai trò vô cùng quan trọng.
TS. Tạ Quang Ngọc cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ hơn tiêu chuẩn, điều kiện của nhân tài, nhân lực chất lượng cao, tăng tính khả thi của chính sách, định hướng cho việc quy định chi tiết về nội dung này. Bên cạnh đó, để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, Dự thảo cần nêu rõ về vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương, thu nhập bảo đảm ổn định của nhân lực chất lượng cao so với cán bộ, công chức, viên chức khác...
Theo Ths. Nguyễn Thị Hồng Thúy (Trường Đại học Luật Hà Nội), nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong việc thực hiện những bước nhảy vọt, giúp Thủ đô Hà Nội có thể rút ngắn về thời gian, ứng dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ của thế giới, hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức.
Đồng thời, đây cũng là nền tảng giúp Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập, cũng như thu hút và giữ chân nhà đầu tư. Do vậy, thành phố cần đưa ra những chính sách nhằm phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để giữ chân họ, bảo đảm sự trung thành, gắn bó lâu dài để cống hiến.
Đánh giá các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cơ bản có tính khả thi, có thể tạo ra cú hích cho phát triển nguồn nhân lực, ThS Nguyễn Thị Hồng Thúy đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp.
Ngoài những ý kiến trên, các diễn giả còn đề xuất một số giải pháp khác như cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học; trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành...
Về quy định về chế độ đãi ngộ nhân tài hiện tại ở Thủ đô, nhóm đối tượng này được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu; được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài...