Thời sự

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2025

PV 18/07/2025 - 09:52

Văn phòng Chính phủ đã có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2025.

dtcong.jpg

Thủ tướng lập 8 Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 16/7/2025 về việc thành lập các Tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Thành lập 08 Tổ công tác do Lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng

Quyết định nêu rõ, thành lập 08 Tổ công tác do Lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhằm đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo. Cụ thể:

Tổ công tác số 1: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Tổ trưởng, theo dõi các địa phương: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ.

Tổ công tác số 2: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các địa phương: thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bắc Ninh.

Tổ công tác số 3: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm cả Hội Nông dân Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; các địa phương: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long.

Tổ công tác số 4: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; các địa phương: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Tổ công tác số 5: Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Kiểm toán Nhà nước; các địa phương: Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng.

Tổ công tác số 6: Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các địa phương: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ.

Tổ công tác số 7: Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các địa phương: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Tổ công tác số 8: Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; các địa phương: Tây Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai.

Về thành phần tham gia của các Tổ công tác, Quyết định quy định: Tổ phó là Lãnh đạo Bộ Tài chính. Các thành viên Tổ công tác gồm Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan liên quan. Thành phần cụ thể của Tổ công tác do Tổ trưởng quyết định.

Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của các Tổ công tác, có trách nhiệm giúp Tổ trưởng xây dựng báo cáo của Tổ công tác tại buổi làm việc và tổng hợp chung báo cáo kết quả làm việc, đề xuất, kiến nghị của các Tổ công tác để báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Trên cơ sở số liệu giải ngân hằng tháng, công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra (có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước) trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo bằng văn bản về tình hình giải ngân cuối mỗi tháng, gửi Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ công tác

Quyết định cũng nêu rõ nhiệm vụ của Tổ công tác, cụ thể:

Tổ chức rà soát, tổng hợp, phân tích nguyên nhân khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các dự án đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Báo cáo Chính phủ qua Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính vào trước ngày 25 hàng tháng (Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm đôn đốc, tham mưu).

Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, phân công cán bộ phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.

Các đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác lựa chọn hình thức làm việc phù hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phân công theo dõi; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Tổ công tác; xây dựng kế hoạch làm việc trong đó xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và thẩm quyền giải quyết; trên cơ sở đó trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật, đồng thời tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo nguyên tắc "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế các Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 22/4/2023, số 853/QĐ-TTg ngày 17/7/2023; số 387/QĐ-TTg ngày 24/2/2025 và Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 06/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

tinh.jpg

Bổ sung quy định về xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh

Chính phủ ban hành Nghị định 187/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 78/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 79/2025/NĐ-CP về kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị định 187/2025/NĐ-CP bổ sung thêm một mục riêng quy định về xây dựng, ban hành quyết định của UBND cấp tỉnh vào sau Mục 3 tại Nghị định số 78/2025/NĐ-CP.

Cụ thể, bổ sung Điều 51a. Soạn thảo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công hoặc trên cơ sở đăng ký của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan quân sự, công an tỉnh, thành phố, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cơ quan chủ trì soạn thảo quyết định. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm:

a) Đánh giá việc thi hành pháp luật ở địa phương để xác định nội dung phân cấp và biện pháp chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Tổ chức việc soạn thảo. Đăng tải hồ sơ dự thảo quyết định trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trong thời gian ít nhất là 10 ngày để lấy ý kiến;

c) Tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo quyết định; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, trong đó phải lấy ý kiến của Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ;

d) Tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự thảo văn bản.

2. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến đối với dự thảo, đối với quyết định ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn là 03 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến. Trong đó, Sở Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; Sở Nội vụ có ý kiến về việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và nguồn nhân lực; Sở Tư pháp có ý kiến về tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật; Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến về việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

3. Hồ sơ dự thảo quyết định để lấy ý kiến, bao gồm dự thảo các tài liệu sau đây:

a) Tờ trình;

b) Dự thảo quyết định;

c) Bản đánh giá thủ tục hành chính, việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (nếu có).

Bổ sung Điều 51b. Thẩm định dự thảo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản đề nghị thẩm định kèm hồ sơ thẩm định, trong đó các báo cáo được ký và đóng dấu, dự thảo văn bản được đóng dấu giáp lai, các tài liệu khác được đóng dấu treo của cơ quan chủ trì soạn thảo. Hồ sơ được gửi bằng bản điện tử và 01 bản giấy, bao gồm: tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 51a của Nghị định này và bản tổng hợp ý kiến tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý.

2. Sở Tư pháp tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ dự thảo quyết định. Trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

3. Sở Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Sở Tư pháp tự thẩm định hoặc tổ chức hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản. Trường hợp tổ chức hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, Sở Tư pháp mời đại diện Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức có liên quan; chuyên gia, nhà khoa học (nếu có) tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định.

Trường hợp phải thẩm định gấp theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thẩm định nội dung quy định tại các điểm a, c, d và e khoản 6 Điều này.

4. Trường hợp thành lập hội đồng thẩm định hoặc tổ chức cuộc họp thẩm định thì thành viên hội đồng thẩm định hoặc người tham gia cuộc họp thẩm định có trách nhiệm:

a) Nghiên cứu dự thảo văn bản, phát biểu ý kiến thẩm định và thể hiện rõ ý kiến về việc dự thảo văn bản đủ hay chưa đủ điều kiện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Chịu trách nhiệm về ý kiến thẩm định thuộc phạm vi quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực của cơ quan mình. Trong đó, đại diện Sở Tài chính có ý kiến về nguồn tài chính; đại diện Sở Nội vụ có ý kiến về việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và nguồn nhân lực; Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến về việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

c) Trường hợp không thể tham gia cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định, thành viên hội đồng thẩm định, người được cử tham gia cuộc họp thẩm định phải gửi ý kiến thẩm định bằng văn bản đến Sở Tư pháp trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp hội đồng thẩm định hoặc cuộc họp thẩm định. Trường hợp thẩm định gấp theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì thời hạn gửi ý kiến thẩm định theo đề nghị của Sở Tư pháp. Hết thời hạn gửi ý kiến bằng văn bản mà không có ý kiến được hiểu là nhất trí với dự thảo.

5. Hội đồng thẩm định chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi kết thúc cuộc họp hội đồng thẩm định.

6. Nội dung thẩm định gồm các vấn đề sau đây:

a) Sự cần thiết ban hành văn bản; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của văn bản;

b) Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với chủ trương, đường lối của Đảng;

c) Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo văn bản;

d) Sự cần thiết, tính hợp lý của thủ tục hành chính;

đ) Nguồn tài chính, nguồn nhân lực, việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, việc ứng dụng, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

e) Ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày và trình tự, thủ tục soạn thảo văn bản.

7. Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp phải thể hiện rõ dự thảo quyết định đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Trường hợp báo cáo thẩm định kết luận dự thảo quyết định chỉ đủ điều kiện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân sau khi tiếp thu, hoàn thiện thì báo cáo thẩm định phải nêu rõ nội dung, yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện.

8. Sở Tư pháp tiến hành thẩm định lại nếu dự thảo quyết định chưa đủ điều kiện trình. Việc thẩm định lại được thực hiện theo quy định tại Điều này.

Bổ sung Điều 51c. Xem xét, ký ban hành quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo văn bản; trao đổi, thống nhất với các cơ quan về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

2. Hồ sơ dự thảo văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đồng thời gửi Sở Tư pháp bằng bản điện tử và 01 bản giấy, bao gồm:

a) Tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 51b của Nghị định này;

b) Báo cáo thẩm định; báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định.

3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tiếp nhận và xử lý hồ sơ dự thảo quyết định theo Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xem xét, ký ban hành quyết định.

Ngoài ra, Nghị định 187/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã và quyết định của UBND cấp xã...

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Lào giai đoạn 2025 - 2030

Chính phủ ban hành Nghị định số 206/2025/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào giai đoạn 2025-2030.

Danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào ban hành kèm theo Nghị định này gồm 03 Phụ lục:

1- Phụ lục I - Danh mục hàng hóa được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA của Việt Nam theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào.

2- Phụ lục II - Danh mục hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào.

3- Phụ lục III - Danh mục hàng hóa được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hằng năm theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào.

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%

Nghị định nêu rõ: Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ Lào, trừ hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này, được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này:

- Được nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam.

- Đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả quy định về vận chuyển trực tiếp) và có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp, theo quy định của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.

Hàng hóa nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất ATIGA

Điều 5 Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu từ Lào, thuộc danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 50% thuế suất Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số 126/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2022 - 2027 nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này.

Trong trường hợp thuế suất ATIGA cao hơn thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) (Biểu thuế MFN) thì áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bằng 50% thuế suất quy định tại Biểu thuế MFN.

Hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan

Điều 7 Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan như sau:

1- Đối với mặt hàng lúa gạo - mã số HS 10.06 (03 dòng hàng HS 8 số chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này):

a) Mặt hàng lúa gạo có xuất xứ từ Lào nhập khẩu trong hạn ngạch quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này và quy định của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.

b) Mặt hàng lúa gạo có xuất xứ từ Lào nhập khẩu vượt số lượng hạn ngạch quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Nghị định này thì số lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch thuế quan áp dụng mức thuế suất quy định tại Điều 5 của Nghị định này.

2- Đối với mặt hàng lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu lá thuốc lá - mã số HS 24.01 (13 dòng hàng HS 8 số chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này):

a) Mặt hàng lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu lá thuốc lá có xuất xứ từ Lào thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 8 của Nghị định này và quy định của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.

b) Mặt hàng lá thuốc lá chưa chế biến và phế liệu lá thuốc lá có xuất xứ từ Lào nhập khẩu vào Việt Nam vượt số lượng hạn ngạch quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này thì không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.

3- Đối với mặt hàng đường và các sản phẩm có liên quan - mã số HS 17.01 (5 dòng hàng HS 8 số chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này).

a) Mặt hàng đường và các sản phẩm có liên quan có xuất xứ từ Lào quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 8 của Nghị định này và số lượng nhập khẩu nằm trong hạn ngạch theo quy định của Bộ Công Thương về việc nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì được hưởng ưu đãi giảm 50% thuế suất nhập khẩu ATIGA.

b) Mặt hàng đường và các sản phẩm có liên quan xuất xứ từ Lào quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này khi nhập khẩu vượt số lượng hạn ngạch theo quy định của Bộ Công Thương khi nhập khẩu vào Việt Nam thì không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào.

Hàng hóa nhập khẩu không được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Việt Nam

Theo Nghị định số 206/2025/NĐ-CP, hàng hóa thuộc Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này sẽ không được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2025 đến hết ngày 24/2/2030.

Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Lào vào Việt Nam và đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu từ ngày 24/2/2025 đến trước ngày 15/7/2025, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

giaoduc.jpg

Quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội

Chính phủ ban hành Nghị định số 202/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

Nghị định này gồm 06 chương 21 Điều quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

Đối tượng áp dụng là cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục của nước ngoài. Cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục của nước ngoài thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

Điều kiện, trình tự, thủ tục phê duyệt và thực hiện liên kết giáo dục

Nghị định quy định điều kiện thực hiện liên kết giáo dục:

1. Phải có chương trình giáo dục tích hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

2. Quy mô lớp học và cơ sở vật chất phải đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tích hợp và không làm ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy chung của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội tham gia liên kết giáo dục.

3. Đội ngũ giáo viên:

- Giáo viên Việt Nam giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Giáo viên nước ngoài giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp phải có trình độ đại học phù hợp với chuyên môn giảng dạy và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương;

- Giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp bằng ngoại ngữ phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục tích hợp và không thấp hơn Bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

4. Cơ sở giáo dục của nước ngoài tham gia liên kết giáo dục phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội nộp hồ sơ xin phê duyệt liên kết giáo dục; không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có tổ chức giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

5. Tổ chức giáo dục của nước ngoài cung cấp chương trình giáo dục tham gia liên kết giáo dục phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội nộp hồ sơ xin phê duyệt liên kết giáo dục.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết giáo dục bao gồm:

1. Đơn đề nghị phê duyệt liên kết giáo dục với nước ngoài theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thỏa thuận hoặc hợp đồng hợp tác giữa các bên liên kết, trong đó có thông tin chi tiết về các bên liên kết, trách nhiệm của các bên liên kết đối với các nội dung cam kết cụ thể về chương trình, tài liệu học tập và giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kiểm tra, đánh giá, văn bằng, chứng chỉ, thông tin về tài chính và các nội dung khác.

3. Giấy tờ chứng minh tư cách pháp lí của các bên liên kết: quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập tổ chức, cơ sở giáo dục hoặc các tài liệu tương đương khác.

4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp, bao gồm:

a) Chương trình giáo dục của nước ngoài có nội dung, môn học, hoạt động giáo dục đưa vào chương trình giáo dục tích hợp và chương trình giáo dục tích hợp dự kiến thực hiện;

b) Bản thuyết minh việc tích hợp chương trình giáo dục theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này gồm: kế hoạch giáo dục, trong đó nêu rõ tên các lĩnh vực phát triển hoặc các nhóm lĩnh vực phát triển, hoạt động giáo dục (đối với giáo dục mầm non); môn học hoặc nhóm môn học (đối với giáo dục phổ thông); thời lượng; ngôn ngữ giảng dạy và bản so sánh các lĩnh vực phát triển hoặc các nhóm lĩnh vực phát triển, nội dung và các hoạt động giáo dục (đối với giáo dục mầm non), chương trình môn học hoặc nhóm môn học (đối với giáo dục phổ thông) của hai chương trình giáo dục được dùng để tích hợp;

c) Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục của chương trình giáo dục nước ngoài hoặc giấy tờ phê duyệt chương trình giáo dục nước ngoài của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Đề án thực hiện liên kết giáo dục với nước ngoài do các bên liên kết xây dựng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết giáo dục gồm 01 bộ gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội hoặc trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trường hợp gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này được gửi bằng bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản hợp pháp hóa lãnh sự hoặc công chứng dịch thuật đối với giấy tờ bằng tiếng nước ngoài. Trường hợp gửi trực tuyến, thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều này được gửi bằng bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản sao điện tử có chứng thực từ bản chính.

Tổng thời gian phê duyệt liên kết giáo dục là 20 ngày làm việc

Nghị định quy định Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt liên kết giáo dục. Trình tự phê duyệt liên kết giáo dục cụ thể như sau:

Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc thư điện tử cho các bên liên kết (thông qua cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đề nghị phê duyệt liên kết giáo dục của thành phố Hà Nội).

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trách nhiệm thẩm định chương trình giáo dục tích hợp theo quy định tại Điều 11 Nghị định này và thẩm định hồ sơ liên kết giáo dục; trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp và phê duyệt liên kết giáo dục.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả thẩm định chương trình giáo dục tích hợp và liên kết giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và quyết định phê duyệt liên kết giáo dục theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Tổng thời gian phê duyệt liên kết giáo dục là 20 ngày làm việc.

Trường hợp liên kết giáo dục không được phê duyệt thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản trả lời trong đó nêu rõ lí do. Trường hợp hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết giáo dục chỉ có chương trình giáo dục tích hợp được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, các bên liên kết giáo dục hoàn thiện lại các thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 9 Nghị định này đối với những hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo văn bản trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết giáo dục theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định này để được phê duyệt liên kết giáo dục. Tổng thời gian phê duyệt liên kết giáo dục trong trường hợp này là 07 ngày làm việc.

Thời hạn liên kết giáo dục không quá 05 năm, có thể được gia hạn

Về thẩm định, phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp, Nghị định quy định Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp; ban hành quy định cụ thể quy trình thẩm định chương trình giáo dục tích hợp, bảo đảm theo đúng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định này; hướng dẫn Hội đồng thẩm định thực hiện mục đích và yêu cầu của việc thẩm định; hướng dẫn việc lưu trữ biên bản các cuộc họp của Hội đồng thẩm định và các tài liệu liên quan trong quá trình tổ chức thẩm định sau khi Hội đồng thẩm định hoàn thành nhiệm vụ theo quy định.

Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục tích hợp do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định thành lập; chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng thẩm định và đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp.

Hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư kí và các ủy viên. Số lượng thành viên Hội đồng thẩm định phải là số lẻ, tối thiểu là 07 người, trong đó ít nhất 1/3 thành viên có kinh nghiệm trong giảng dạy hoặc xây dựng chương trình giáo dục tích hợp hoặc chương trình giáo dục quốc tế.

Nghị định quy định thời hạn của liên kết giáo dục không quá 05 năm kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 05 năm.

Không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng, chứng chỉ nước ngoài cấp theo chương trình giáo dục tích hợp

Đối với việc cấp văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục, Nghị định nêu rõ, văn bằng, chứng chỉ cấp cho học sinh theo chương trình giáo dục tích hợp được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Văn bằng, chứng chỉ do Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam.

b) Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục nước ngoài cấp (bao gồm cả chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục) phải tuân thủ quy định pháp luật của nước nơi cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính.

c) Trường hợp đồng thời cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam và văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài thì thực hiện theo các quy định tại a, b nêu trên.

Nghị định cũng nêu rõ: Học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tích hợp theo từng cấp học đủ điều kiện theo quy định thì được xác nhận hoặc chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục, cấp văn bằng theo quy định của pháp luật Việt Nam và văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục, tổ chức giáo dục nước ngoài cấp.

Trong quá trình thực hiện liên kết giáo dục, các bên liên kết có trách nhiệm đánh giá, xác nhận hoàn thành một phần, một số phần hoặc toàn bộ chương trình giáo dục tích hợp cho người học có nhu cầu xác nhận để chuyển sang học ở cơ sở giáo dục khác ở trong nước hoặc nước ngoài.

Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài sử dụng trong quá trình liên kết giáo dục phải được công nhận hợp pháp ở nước sở tại và có giá trị sử dụng phổ biến trên thế giới, hoặc được công nhận tương đương với các bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cơ sở giáo dục của Việt Nam chịu trách nhiệm lập, lưu giữ hồ sơ quản lí văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục, thực hiện việc công khai thông tin xác thực văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Văn bằng, chứng chỉ của nước ngoài cấp cho học sinh theo chương trình giáo dục tích hợp được công nhận sử dụng tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng, chứng chỉ.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27/8/2025.

Thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký các Quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia APEC 2027.

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2027

Cụ thể, tại Quyết định số 1507/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2027 giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc liên quan đến công tác chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động liên quan của Năm APEC 2027 (Ủy ban Quốc gia).

Ủy ban Quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia gồm: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (Phó Chủ tịch Thường trực); Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Các thành viên khác của Ủy ban Quốc gia gồm có: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Hoàng Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Sỹ Hiệp; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Phạm Thế Tùng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường; Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Quang Vinh.

Căn cứ thực tế và yêu cầu tính chất công việc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia xem xét, quyết định việc bổ sung, điều chỉnh thành viên là lãnh đạo các cơ quan, địa phương liên quan.

Ủy ban Quốc gia có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc và điều phối giữa các Tiểu ban và Ban Thư ký, các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị và tổ chức các hội nghị, hoạt động của Năm APEC 2027.

Ủy ban Quốc gia bao gồm 5 Tiểu ban và Ban Thư ký

Tiểu ban Nội dung: Do lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đồng chủ trì, thành viên gồm lãnh đạo của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tiểu ban Vật chất và Hậu cần: Do lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì, thành viên gồm lãnh đạo của Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

Tiểu ban An ninh và Y tế: Do lãnh đạo Bộ Công an chủ trì, thành viên gồm lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa: Do lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, thành viên gồm lãnh đạo của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

Tiểu ban Lễ tân: Do lãnh đạo Bộ Ngoại giao chủ trì, thành viên gồm lãnh đạo của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

Ban Thư ký là bộ phận thường trực giúp việc cho Ủy ban Quốc gia, do Bộ Ngoại giao chủ trì và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban, có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Công Thương.

Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia

Tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của Ủy ban Quốc gia APEC 2027.

Quy chế này quy định quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên, các Trưởng Tiểu ban và Ban Thư ký Quốc gia APEC 2027; quy định chế độ làm việc, phối hợp công tác, thông tin của Ủy ban Quốc gia.

Ủy ban Quốc gia họp định kỳ mỗi quý một lần. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia có thể triệu tập các cuộc họp đột xuất và các thành viên được triệu tập theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tùy theo tính chất, nội dung công việc. Trong năm 2027, đặc biệt là thời gian chuẩn bị diễn ra Tuần lễ cấp cao, Ủy ban Quốc gia có thể họp thường xuyên.

Kết luận của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại cuộc họp sẽ được Ban Thư ký APEC 2027 và Văn phòng Chính phủ tổng hợp, thông báo các ủy viên, các Tiểu ban, các cơ quan và địa phương liên quan bằng văn bản để phối hợp, thực hiện.

Các Tiểu ban và Ban Thư ký APEC 2027 làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, được huy động và sử dụng bộ máy, phương tiện thuộc quyền quản lý để phục vụ các hoạt động của các Tiểu ban và Ban Thư ký APEC 2027.

Các Tiểu ban và Ban Thư ký APEC 2027 có nhiệm vụ báo cáo định kỳ lãnh đạo và các đồng chí ủy viên Ủy ban Quốc gia phụ trách tiến trình chuẩn bị cho các hoạt động của APEC tại Việt Nam năm 2027. Các báo cáo gửi lãnh đạo Ủy ban Quốc gia đồng gửi Ban Thư ký APEC 2027 để tổng hợp và điều phối công tác.

Các Ủy viên, các Tiểu ban có trách nhiệm thông tin, phối hợp chặt chẽ với nhau và với Ban Thư ký APEC 2027 để chuẩn bị, tổ chức các hoạt động của Năm APEC 2027. Các thành viên của các Tiểu ban thống nhất đầu mối liên lạc và duy trì chế độ phối hợp với bộ phận thường trực của Tiểu ban.

Phân công chủ trì tổ chức các sự kiện

Quyết định số 1508/QĐ-TTg phân công các cơ quan chủ trì tổ chức sự kiện như sau:

- Ủy ban Quốc gia chủ trì tổ chức các hội nghị, hoạt động trong Tuần lễ cấp cao; 04 đợt Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) và các cuộc họp liên quan; và cân nhắc khả năng kết hợp tổ chức các hội nghị, hoạt động diễn ra ngay sát hoặc cùng đợt Hội nghị SOM để tiết kiệm kinh phí và thời gian.

- Các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn chủ trì tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành và hoạt động tương đương, các cuộc họp nhóm công tác nằm ngoài các đợt Hội nghị SOM và các hoạt động liên quan trên cơ sở phê duyệt của Ủy ban Quốc gia.

- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp, Đối thoại của Lãnh đạo cấp cao với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị ABAC và hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở phê duyệt của Ủy ban Quốc gia.

giang.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang

Điều động ông Đặng Hoàng Giang tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1545/QĐ-TTg ngày 16/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động ông Đặng Hoàng Giang tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều động ông Đặng Hoàng Giang, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện Thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ trở lại công tác tại Bộ Ngoại giao, tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao được tính từ ngày 12/3/2021.

Bổ nhiệm lại chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngày 17/7/2025, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cụ thể, tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 17/7/2025, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại ông Nguyễn Mạnh Tú giữ chức Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng Ban Kiểm soát Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12/6/2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO