Vụ 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở: Không chứng minh được nguồn gốc đất “chiếm bán”

Văn Hà| 09/10/2021 14:36

BVCL - Sau khi phát hiện thửa đất của mình bị ông Nguyễn Thành Tin lấn chiếm, ông Nguyễn Hữu Dũng đã gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sự việc, đồng thời làm thủ tục khởi kiện ông Tin ra TAND TP Kon Tum. Tại tòa, bị đơn không chứng minh được nguồn gốc đất đã “chiếm bán”...

anh-2-vu-dat.jpg
Ông Dũng cho rằng, mảnh đất của ông đã bị ông Tin lấn chiếm trái phép rồi bán cho nhiều người bằng giấy viết tay.

Không thể khai hoang trên “đất công”

Như Báo Công lý đã có bài viết “Kon Tum: Có hay không việc cấp thêm 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở?”, “Vụ cấp thêm 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở: Chiếm đất công sang nhượng bằng giấy viết tay” phản ánh về việc trên thửa đất của ông Nguyễn Hữu Dũng được UBND thị xã Kon Tum (tỉnh Gia Lai-Kon Tum thời điểm đó) cấp theo QĐ 687/QĐ-UB ngày 5/6/1987 bị người khác tự ý lấy toàn bộ và bán sang tay cho nhiều người. Điều đáng nói là trên mảnh đất này đã được cấp thêm 2 sổ đỏ.

Liên quan đến sự việc trên, ngày 5/10, TAND TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đã đưa vụ kiện dân sự “Đòi lại đất bị lấn chiếm” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu Dũng, bị đơn là ông Nguyễn Thành Tin cùng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ra xét xử sơ thẩm, công khai.

Tại phiên tòa, ông Dũng yêu cầu ông Tin trả lại mảnh đất mà ông đã được cấp theo Quyết định số: 687/QĐ-UB thị xã Kon Tum (nay là TP. Kon Tum). Tuy nhiên, khi thẩm định tại chỗ, ông Dũng đã thống nhất rút một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu ông Tin trả lại diện tích đất có chiều ngang là 10m, dài 32m. Nếu không trả lại đất thì phải trả lại tiền theo đúng số tiền định giá tài sản.

anh-1-vu-dat.jpeg
Quyết định số 687/QĐ-UB ngày 05/6/1987 do ông Hoàng Văn Lâm – Phó chủ tịch UBND thị xã Kon Tum cấp cho ông Dũng.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Cơ quan chức năng cần tìm hồ sơ, thủ tục, quyết định cấp đất cho ông Nguyễn Thành Tin, ông Đặng Việt Cường vì hai thửa đất này giáp ranh với đất của tôi. Nếu ông Cường được cấp đất sau tôi thì chắc chắn trong quyết định được cấp sẽ thể hiện tên tôi và giáp ranh với đất của tôi. Các hồ sơ này nằm sát nhau, có liên quan đến nhau để xác định rõ mảnh đất của tôi. Kính mong cơ quan chức năng xem hồ sơ gốc, nguồn gốc đất của ông Đặng Việt Cường, đã cấp sổ đỏ như thế nào để làm cơ sở xác định diện tích đất của tôi”.

Ông Dũng trình bày thêm, diện tích đất của ông là đất công và đã được Nhà nước giao theo Quyết định số: 687/QĐ-UB thị xã Kon Tum cấp ngày 5/6/1987 nhưng ông Tin đã lấn chiếm. Việc ông Tin kê khai thành đất khai hoang là không trung thực vì trên đất công sẽ không có chuyện khai hoang. Diện tích đất này, là đất quy hoạch đất ở để giao cho cán bộ công nhân viên chức. Ông Dũng là người đã được giao đất trên mảnh đất công này, không thể có một khoảnh đất trống, khai hoang lọt vào được.

Lời khai “bất nhất” với hồ sơ

Tại phiên tòa, ông Nguyễn Thành Quốc Sinh (con trai của ông Nguyễn Thành Tin – Người được ủy quyền tham dự phiên tòa) cho rằng, gia đình anh được Nhà nước giao một thửa đất theo Quyết định số: 485/QĐ-UB thị xã Kon Tum ngày 28/3/1987 với diện tích 525m2 giáp ranh với đất công. Phần diện tích đất công này gia đình anh đã khai hoang và canh tác. Khi nào nhà nước có quyết định thu hồi để giao cho người khác thì nhà anh sẵn sàng trả. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có quyết định thu hồi nên gia đình anh vẫn sử dụng và hoàn toàn không biết đã được cấp cho ông Dũng?.

Vậy nhưng, điều đáng ngạc nhiên là mảnh đất của ông Dũng mà ông Sinh cho rằng đất của nhà mình khai hoang đã được gia đình chuyển nhượng cho hai hộ là ông Hoàng Văn Yến và ông Lâm Văn Mai đều vào năm 1993. Sau đó, trên phần đất của mình, ông Mai đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Minh Cảnh vào năm 1994. Tất cả hình thức chuyển nhượng đều bằng giấy tờ viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, HĐXX cho rằng, trong đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 29/4/1993 cho ông Hoàng Văn Yến thì ông Tin đã xác nhận diện tích đất chuyển nhượng cho ông Yến đã được cấp theo Quyết định số: 485/UBND thị xã Kon Tum ngày 28/3/1987 với diện tích 525m2. Như vậy, lời khai trong quá trình tham gia tố tụng mâu thuẫn với đơn xin chuyển nhượng đất cho ông Yến.

anh-3-vu-dat.jpg
Quyết định số 485/QĐ-UB ngày 28/3/1987 cấp cho ông Tin thể hiện đất ông giáp đất công. Lô đất công này sau đó được cấp cho ông Dũng theo QĐ 687/QĐ-UB ngày 05/6/1987.

Nói về vấn đề trên, ông Sinh cho biết “lỗi” do cha mẹ ông, người học hết lớp 1, người học đến lớp 5 nên khi chuyển nhượng cho ông Yến thì chỉ nói rõ là diện tích đất khai hoang. Biên bản cũng ghi một phần quyết định chứ không ghi rõ là quyết định 485.

HĐXX nhấn mạnh, trong đơn xin chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 29/4/1993 cho ông Hoàng Văn Yến đã thể hiện rõ: “Tôi có một mảnh đất được phường Quang Trung, thị xã Kon Tum cấp theo giấy phép UBND thị xã Kon Tum cấp ngày 28/3/1987 với diện tích 525m2. Diện tích này trùng với thời gian đã cấp trong quyết định QĐ485/QĐ-UB thị xã Kon Tum giao cho gia đình ông”.

Cũng tại phiên tòa, đại diện VKS hỏi ông Sinh: Đối với toàn bộ diện tích đất được cấp theo Quyết định 485 giao cho gia đình ông và cả diện tích đất của ông Dũng mà ông cho rằng có nguồn gốc do gia đình ông khai hoang từ 1976, thì gia đình ông bắt đầu đóng thuế sử dụng đất từ năm nào?. Tại sao gia đình không làm đơn yêu cầu UBND thị xã Kon Tum cấp toàn bộ diện tích đất khai hoang mà lại chỉ cấp 525m2 theo Quyết định 485?

Đứng trước những câu hỏi này, ông Sinh không cung cấp được đơn xin đề nghị UBND thị xã Kon Tum cấp toàn bộ diện tích đất khai hoang. Cũng như các hóa đơn chứng từ thể hiện nghĩa vụ đóng thuế sử dụng đất. Như vậy, không có cơ sở để chứng minh, việc gia đình ông Sinh khai hoang trên phần đất công.

Từ những nội dung trên, đại diện VKSND TP Kon Tum tham gia phiên tòa cho rằng: Qua các tài liệu, hồ sơ cũng như ý kiến trình bày của các đương sự thì có thể thấy, nguồn gốc đất của ông Nguyễn Thành Tin khai trong thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất là không thống nhất, chưa đúng với thực tế, cũng như tài liệu hiện có trong hồ sơ. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX tạm hoãn phiên tòa để xác minh, thu thập chứng cứ làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp.

Sau khi xem xét, cân nhắc HĐXX đã ra Quyết định hoãn phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà HĐXX không thể thực hiện ngay tại phiên tòa.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 2 sổ đỏ trên cùng một thửa đất ở: Không chứng minh được nguồn gốc đất “chiếm bán”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO