Báo Công lý trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm với tiêu đề: "Động lực mới cho phát triển kinh tế".
1. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh "là làm cho dân giàu, nước mạnh"; với đặc trưng "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới".
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chứng tỏ rằng, hoạt động sản xuất vật chất của con người là cơ sở, nguồn gốc, nguyên nhân quyết định nhất tới sự biến đổi xã hội; sản xuất là hoạt động nền tảng làm phát sinh, phát triển những mối quan hệ xã hội của con người, mang đến sự hợp tác, yếu tố cạnh tranh thúc đẩy sản xuất lên tầm cao mới, đồng thời cũng chính là cơ sở của sự hình thành, biến đổi và phát triển của xã hội loài người. Theo quan niệm của Mác, biến đổi xã hội thực chất và trước hết là sự biến đổi của nền sản xuất vật chất và biến đổi của nền sản xuất vật chất chính là sự biến đổi trung tâm quan trọng nhất quyết định sự biến đổi xã hội. Trong lộ trình biến đổi xã hội, biến đổi về cơ cấu kinh tế kéo theo biến đổi về cơ cấu xã hội và biến đổi hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội. Xuất phát từ "sự thật hiển nhiên,… trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học,…", chủ nghĩa Mác đã chỉ ra rằng để con người có thể sống, tồn tại, phát triển thì tất yếu con người phải sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Đồng thời, "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào".
Bên cạnh đó, theo V.I. Lê-nin, năng suất lao động cao phản ánh bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản; là tiêu chuẩn quan trọng nhất, chủ yếu nhất tạo nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội "Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều".
Như vậy, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội với những đặc trưng mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã xác định, hoạt động sản xuất vật chất của con người có ý nghĩa quyết định nhất, với năng suất lao động cao là yếu tố then chốt. Thông qua hoạt động sản xuất vật chất để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tạo ra những biến đổi xã hội tích cực, khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; qua đó, hoàn thành thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chuyển sang giai đoạn cao của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa như Mác đã dự báo trong tác phẩm Phê phán cương lĩnh Gôta "Khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của các cá nhân, sức sản xuất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào - chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu".
2. Thực tiễn phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân ở TQ và Nga, cũng như qua 40 năm đổi mới ở Việt Nam đã để lại những bài học hết sức quý báu. Với Nga, ngay cả trong thời kỳ phát triển kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Chính sách kinh tế mới phát triển các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, của V. Lênin từ năm 1921 đến năm 1991 đã giúp kinh tế Nga phát triển vượt bậc. Trong thời kỳ này, Nước Nga cùng với nhiều nước kém phát triển khác trong Liên bang Xô viết trở thành cường quốc đạt tới trình độ cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, vũ trụ. Với Trung Quốc, bắt đầu từ chính sách "Cải cách và Mở cửa" năm 1978, sửa đổi hiến pháp năm 1988 theo hướng tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tư nhân, công nhận kinh tế tư nhân là một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XV năm 1997, cam kết bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh, kinh tế tư nhân của TQ đã có bước phát triển bùng nổ, với sự ra đời của nhiều tập đoàn lớn không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông và thương mại điện tử. Hàng loạt doanh nghiệp tư nhân chiếm phần lớn trong các ngành công nghiệp như sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là công nghệ cao đã đóng góp hơn 60% GDP, tạo ra 80% việc làm ở thành thị và hơn 70% phát minh, sáng chế trong nền kinh tế Trung Quốc.
Ở Việt Nam, với việc nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đại hội VI của Đảng; khẳng định khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển ở Đại hội VII và tiếp tục nhấn mạnh ở Đại hội VIII; có bước phát triển tại Đại hội IX khi Đảng ta khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, lần đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân"; nhấn mạnh vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế và quy định cụ thể vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân ở Đại hội X; khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát về vai trò của kinh tế tư nhân như là một động lực quan trọng của nền kinh tế tại Đại hội XII, XIII, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển khởi sắc. Từ chỗ chỉ tồn tại "thoi thóp", "cầm chừng" trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, bị phân biệt đối xử không chỉ trong ý thức xã hội mà trong cả cơ chế, chính sách nhà nước, kinh tế tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho xã hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mỗi địa phương cũng như trong cả nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, khẳng định vai trò, động lực quan trọng trong hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, với tầm nhìn, chính sách đúng đắn, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân là sự lựa chọn sống còn để thúc đẩy sản xuất vật chất, tạo ra sự biến đổi xã hội, "sức bật" về trình độ công nghệ, đào tạo nghề, gia tăng khả năng hấp thu vốn, thúc đẩy tăng năng suất lao động, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Để phát triển kinh tế tư nhân, vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với những thay đổi có tính bước ngoặt về tư duy, nhận thức, hành động, tạo thành đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng so với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước trước đây.
3. Ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ; định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân - động lực mới phát triển kinh tế trong thời gian tới. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 68, cần tập trung thực hiện một số công tác cấp bách, sau đây:
Thứ nhất, triển khai quyết liệt, hiệu quả các công tác sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả. Lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết 68 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, định kỳ hằng tháng rà soát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lúng túng, thực hiện theo cách riêng gây mất hiệu lực chính sách Trung ương. Thường xuyên công khai kết quả thực hiện, lấy đây là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, nhất là đối với người đứng đầu. Thúc đẩy, tạo sự đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng "phục vụ" thay vì đối tượng "quản lý", đảm bảo nguyên tắc "nói đi đôi với làm" thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuyển toàn bộ quy trình hành chính sang hậu kiểm, trừ một số lĩnh vực đặc thù (an ninh, quốc phòng…); có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong hỗ trợ doanh nghiệp, gắn với công tác thi đua, khen thưởng; chuẩn hóa toàn bộ quy trình cấp phép đầu tư theo mô hình điện tử, rút ngắn thời gian công bố kết quả.
Thứ hai, khẩn trương thể chế hóa các quan điểm của Đảng thành pháp luật và bảo đảm thực hiện nghiêm minh trong toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân. Nghiên cứu xây dựng Luật phát triển kinh tế tư nhân và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương nêu tại Nghị quyết số 68. Trong đó, thiết lập hệ thống cạnh tranh công bằng, xác định rõ danh sách các hành vi tác động tiêu cực đến tiếp cận thị trường và phân biệt đối xử trong cạnh tranh thị trường đối với kinh tế tư nhân. Tạo ra cơ chế thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ tài chính, yêu cầu các tổ chức tài chính thiết lập hệ thống đánh giá tín dụng phù hợp với kinh tế tư nhân và hỗ trợ tài chính. Khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong các dự án lớn, trọng điểm quốc gia và thiết lập các cơ sở hạ tầng nghiên cứu đổi mới sáng tạo quốc gia. Thiết lập hệ thống bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, phân biệt rõ ràng giữa tranh chấp kinh tế và tội phạm hình sự, nghiêm cấm các hành vi lạm dụng pháp luật trong quản lý thị trường. Đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ dịch vụ thủ tục và chính sách cho kinh tế tư nhân, chuẩn hóa các thủ tục hành chính và chính sách. Sửa đổi Bộ luật Hình sự, tách bạch rõ hành vi gian lận - trục lợi với sai sót hành chính thông thường.
Thứ ba, đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước. Dành quỹ đất ưu tiên 5-10% tại các khu công nghiệp công nghệ cao cho startup thuê với giá ưu đãi. Mở rộng mô hình sandbox pháp lý toàn quốc, cho phép thử nghiệm thực tế với fintech, AI, nông nghiệp số trong khung thời gian bảo vệ pháp lý rõ ràng. Xây dựng trung tâm tư vấn pháp lý miễn phí hoặc trợ giá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành "chiến sỹ" trên mặt trận kinh tế, tham gia thực chất trong hoạch định chính sách. Bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích, tôn vinh đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho đất nước, có kiến thức và năng lực quản trị kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia phản biện chính sách, đóng góp vào quá trình hoạch định và thực thi chiến lược phát triển. Các bộ ngành khi xây dựng luật, nghị định cần lắng nghe thấu đáo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nhân thực chiến. Hỗ trợ ngân sách và chuyên môn để xây dựng các hiệp hội ngành nghề mạnh, độc lập, có năng lực phản biện chính sách. Khuyến khích thành lập Hội đồng doanh nhân tư nhân cấp quốc gia, tư vấn trực tiếp cho Chính phủ trong chiến lược kinh tế - công nghiệp dài hạn.
Chúng ta có truyền thống quật cường, lòng yêu nước nồng nàn, cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở chính trị - pháp lý chặt chẽ, toàn diện; với khát vọng, ý chí, sự thống nhất đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, doanh nhân và toàn dân trong thực hiện mục tiêu "ổn định, phát triển chất lượng cao, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân", nhất định chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết, sớm đưa kinh tế tư nhân phát triển xứng tầm, thật sự trở thành động lực quan trọng nhất, trụ cột bảo đảm sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế quốc gia, hiện thực khát vọng xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.