Tiêu thụ nông sản trong vùng dịch vẫn gặp khó vì thiếu “mắt xích”

Tuấn Phong| 18/08/2021 17:46

BVCL - Thương lái không thể thu mua; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừng hoạt động hoặc giảm công suất chế biến; hoạt động giao thương giữa các địa phương gặp khó khăn... đang là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản ở trong các vùng dịch COVID-19 tiếp tục giảm giá mạnh, nông dân thua lỗ.

Chiều 17/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan họp trực tuyến với Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và lãnh đạo Sở NN&PTNT của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Theo báo cáo từ Tổ công tác 970 về tình hình sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội của Bộ NN&PTNT, đến ngày 16/8, nhiều mặt hàng nông sản vẫn đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ.

Giá giảm, nông dân lỗ vốn

Đơn cử, Bộ NN&PTNT cho biết, giá cá tra giống rất thấp (21.000-23.000 đồng/kg); giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài (khoảng 21.000 đồng/kg); giá tôm xuống thấp gần đây nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu vào cuối năm.

Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở (có ca nhiễm COVID-19 phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ"). Như vậy, còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.

Do TP.HCM và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí "3 tại chỗ" rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Bên cạnh đó, theo Bộ NN&PTNT, việc tiêu thụ một số loại trái cây vẫn bị ảnh hưởng nhiều do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa.

anh-1(1).jpg
Giá thanh long đang ở mức rất thấp, chỉ vài nghìn đồng/kg, khiến nông dân sản xuất không có lãi, thậm chí lỗ.

Cụ thể, trái thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán tại vườn đối với thanh long ruột trắng chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, nông dân sản xuất không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao. Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp… đang ở mức rất thấp: 1.500 - 2.000 đồng/kg, nhưng thương lái thu mua cũng rất ít.

Đồng thời, giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000–54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so với tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp hơn 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28000 đồng/kg (giảm 19,1-19,2%).

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện nay, địa phương cần tiêu thụ lúa nếp, xoài Đài Loan. Đặc biệt, xoài Đài Loan chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc mà nếu không được thu mua thì sắp tới sẽ rất khó khăn. "Thời gian qua, địa phương đang đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX. Nhưng vấn đề là cần có doanh nghiệp vào để kết nối thu mua, nếu không giải quyết được điều này sẽ xảy ra tình trạng cung vượt cầu", lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nói.

anh-2(1).jpg
Trái cây các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch.

Nhiều bài học về liên kết, lưu thông

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho hay, địa phương đang tồn hàng nghìn tấn rau không thể tiêu thụ được, xuất khẩu sang Campuchia cũng bế tắc. Về lúa, nhiều doanh nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" phải dừng hoạt động.

Địa phương có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp nhưng hiện nay chỉ còn 26 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên cũng giảm 50% công suất do phải giãn cách, nên các doanh nghiệp gặp khó khăn. Lượng lúa tồn trong các doanh nghiệp còn hàng trăm nghìn tấn.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ở địa phương chỉ có 12/22 doanh nghiệp chế biến thủy sản còn hoạt động, công suất hoạt động chỉ đảm bảo 30-50%, thuỷ sản tồn đọng ở ao nuôi lớn, giá cá tra giảm sâu.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay đang gặp vướng mắc nhất cần tháo gỡ là khâu vận chuyển. "Trước thực trạng này, các địa phương có thể kết nối với nhau từ 3-4 tỉnh để tháo gỡ", ông Nam nói.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, qua khó khăn này mới thấy có nhiều bài học về hỗ trợ, hợp tác giữa các tỉnh trong vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt là liên kết sản xuất, và đây là vấn đề tất yếu trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đang kết nối tiêu thụ 500 tấn nông sản mỗi ngày. Sau này cần duy trì mô hình kết nối như vậy. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất các Sở NN&PTNT nên thành lập tổ điều hành thị trường nông sản.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nhân dịp này, Bộ NN&PTNT cũng cần nhìn nhận câu chuyện kết nối cung - cầu. Trước giờ, trong điều kiện bình thường thấy câu chuyện này đơn giản nhưng khi biến cố xảy đến thì tắc, gãy nhiều. "Ngày xưa, chúng ta lo sản xuất xong rồi là được, còn tiêu thụ thì để thị trường tự điều chỉnh. Do vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy kết nối cung - cầu nông sản, đừng lấy "thành tích" về sản lượng để làm mục tiêu thi đua", ông Hoan chia sẻ.

Mặt khác, dù có nhiều văn bản tránh ngăn sông cấm chợ, thời gian qua đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn ách tắc ở chỗ này chỗ kia. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vẫn còn câu chuyện "thông ở phía trên nhưng kẹt ở phía dưới". Do vậy, các địa phương cũng cần liên kết, hợp tác với nhau trong giải quyết các vấn đề về lưu thông tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện không chỉ cho doanh nghiệp mà cả thương lái - một mắt xích quan trọng trong khâu thu mua, tiêu thụ nông sản.

anh-3-chom-chom-ben-tre.jpg
Vườn chôm chôm nông dân được mùa.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu thụ nông sản trong vùng dịch vẫn gặp khó vì thiếu “mắt xích”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO