Một vụ án phức tạp, được phán quyết thấu tình, đạt lý

Bình Minh| 28/04/2021 16:25

BVCL - Vụ kiện đòi tài sản tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) là một trường hợp lẽ ra không phức tạp nhưng kéo dài nhiều năm bởi thiếu sự thấu hiểu của bị đơn.

anh-ba.jpg

Bản án về vụ đất đai ở Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử sơ thẩm lần 2 mới đây.

Vụ án này bắt đầu từ năm 2013, khi bà Phí Thị Anh Thư, sinh năm 1954, trú tại 134 Nguyễn Kim phường 6 quận 10 TP. Hồ Chí Minh bắt đầu kiện về việc gia đình bà bị chiếm đoạt đất cho mượn.

Theo hồ sơ vụ án, bố mẹ của nguyên đơn Phí Thị Anh Thư là cụ Phí Văn Phúc và cụ Phạm Thị Thông có thửa đất số 2674, tờ bản đồ số 5 được ghi trong tờ chứng thực đăng bộ số 709 năm 1941 tỉnh Hà Đông cũ, nay là thửa 346 tờ bản đồ số 4 diện tích 306m2 tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Vợ chồng cụ Phúc đã cho gia đình cụ Lương Thị Chung (bị đơn) ở nhờ tại thửa đất trên, sau đó đưa các con vào Nam sinh sống từ năm 1954.

Bên phía bị đơn, ông Phí Văn Thọ (kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Chung) thừa nhận khoảng năm 1948, cụ Phúc đã cho gia đình ông ở nhờ. Ngày 19/7/2002, ông Phí Văn Thọ đã viết thư cho ông Phí Thịnh Long (con trai cụ Phúc) nội dung thể hiện ông sẵn sàng trả lại toàn bộ diện tích nhà đất nhưng các thừa kế của cụ Phúc phải thanh toán cho gia đình ông 250.000.000 đồng là tiền công sức trông nom và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng các thừa kế của cụ Phúc không đồng ý.

Ngày 23/7/1998, tại Nhà thờ họ Phí, cụ Chung đã xác nhận vào giấy giao kèo quản lý bất động sản với nội dung khối bất động sản cụ đang quản lý, sử dụng là của gia đình bà Phí Thị Anh Thư, do gia đình bà Thư chưa có nhu cầu sử dụng nên cụ Chung tiếp tục quản lý và sử dụng nhưng không được chuyển nhượng. Liên quan đến “Giấy giao kèo quản lý bất động sản” này, tại Bản kết luận giám định số 48/C54(P3) ngày 28/8/2012 của Viện Khoa học hình sự đã kết luận dấu vân tay in dưới dòng chữ “Lương Thị Chung” trong “Giấy giao kèo quản lý bất động sản” ngày 23/7/1998 với các dấu vân tay in ở ô ngón cái phải trong 2 chỉ bản ghi tên “Lương Thị Chung” là của cùng một người (đây chính là dấu vân tay của cụ Chung điểm chỉ trong Giấy giao kèo). Tại đĩa ghi hình cuộc xác nhận Giấy gieo kèo, kết luận giám định số 47 ngày 25/4/2011 Viện khoa học hình sự khẳng định không phát hiện thấy dấu hiệu bị cắt nối, lồng ghép, dựng cảnh, dùng kỹ xảo điện ảnh hoặc lồng tiếng trong đĩa hình gửi giám định; hình ảnh miệng của nhân vật nữ, lời thoại khớp với cử động của miệng, không phát hiện thấy dấu hiệu bị lồng tiếng.

Khi giải quyết vụ án liên quan đến tranh chấp đất đai, việc xác định nguồn gốc đất là cần thiết. Những căn cứ trên đã thể hiện rõ thửa đất tranh chấp có nguồn gốc của cụ Phí Văn Phúc, cụ Phạm Thị Thông Thông và cụ Chung chỉ được cho ở nhờ. Thông qua bức thư, “Giấy giao kèo quản lý bất động sản”, bị đơn cũng đã thừa nhận cụ Phúc và cụ Thông cho ở nhờ trên thửa đất này, và đã được UBND xã Kim Chung giao quyền sử dụng 101m2 đất có thu tiền sử dụng đất mang tên Phí Văn Thọ. Hiện nay mảnh đất này ông Thọ đã bán cho người khác.

Việc bị đơn trình bày nguồn gốc đất được giao trong cải cách ruộng đất năm 1956 là không thuyết phục, do tờ chứng thực đăng bộ số 709 năm 1941 đã ghi tên chủ sử dụng đất là cụ Phí Văn Phúc và cụ Phạm Thị Thông, vợ chồng cụ cho bà Chung ở nhờ từ năm 1949, sau đó vào Nam sinh sống. Khi cải cách ruộng đất năm 1956, có thể bị đơn đã kê khai diện tích đất là của mình (do đang sử dụng) nên được thể hiện tên trong hồ sơ địa chính.

Đến nay, vụ án đã qua 4 lần xử. Một lần xử sơ thẩm (ngày 6/9/2013), một lần xử phúc thẩm (ngày 17/4/2014), một lần xử giám đốc thẩm (ngày 6/6/2017), sau đó quay lại xử sơ thẩm (ngày 19/11/2020).

Nhận định về bản án đã tuyên, Luật sư Ngô Thành Ba (Cty Luật TNHH niềm tin Công Lý thuộc đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng bản án đã cho thấy sự thấu tình đạt lý. Tòa án đã xét đến thời gian dài tôn tạo duy trì thửa đất của bị đơn và sự thiện chí của nguyên đơn khi đồng ý trích 100m2 đất cho gia đình ông Thọ; đảm bảo quyền lợi cho những người nhận chuyển nhượng đất của gia đình cụ Chung và anh Việt (người nhận chuyển nhượng đất từ gia đình cụ Chung, sau đó chuyển nhượng lại cho người khác).

Như vậy, theo phán quyết của Tòa án, gia đình bị đơn vừa được ở nhờ, vừa được hưởng 100m2 đất được coi là công sức giữ gìn, duy trì, tôn tạo đất. Tính công minh và nhân văn đã được thể hiện rõ trong đó. Người ở nhờ (gia định cụ Chung) phải trả lại nhà đất tại thửa số 346, tờ bản đồ số 4 tại thông Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (TP. Hà Nội) là điều hết sức hợp lý.

Tiếp tục có ý kiến về phiên tòa phúc thẩm (lần 2) sắp tới, Luật sư Ngô Thành Ba cho rằng sự phán quyết của Tòa án có lẽ không thay đổi bởi bản chất vụ việc và hướng giải quyết đã được phiên tòa trước khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một vụ án phức tạp, được phán quyết thấu tình, đạt lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO