Lào Cai đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản bằng nền tảng thương mại điện tử

Tào Đạt| 23/07/2021 16:01

BVCL - Nhiều loại nông sản như mận tam hoa Bắc Hà, quả Lê Tai Nung Si Ma Cai (Lào Cai) đã được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử lớn.

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cùng với sự hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) và các sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, Bưu điện tỉnh Lào Cai và UBND các huyện, thành phố đã đưa quả mận tam hoa Bắc Hà, quả Lê Tai Nung Si Ma Cai (Lào Cai) đã được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn thương mại điện tử lớn như: Sendo, Post mart, Shopee, Vỏ sò ... thông qua các chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” và “Tuần lễ nông sản” cùng với đó là các sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai cũng đã được đưa lên quảng bá, tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử này.

Với lợi thế của thương mại điện tử đó là tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, có thể kết nối trực tiếp từ người bán, đơn vị, hợp tác xã, người nông dân đến người tiêu dùng, đây là yếu tố quan trọng khiến phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.

Do vậy, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

le-tai-nung.jpg
Quả Lê Tai Nung Si Ma Cai (Lào Cai) được bán trên sàn thương mại điện tử Sendo

Tuy nhiên, việc bán nông sản qua các sàn thương mại điện tử cũng sẽ gặp phải một số khó khăn trong việc cung ứng. Theo đó, hiện trái cây, nông sản từ vườn đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều bên trung gian và để giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt.

Nếu mua trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng cũng như từ chính các hợp tác xã, doanh nghiệp, người nông dân.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất đó là nhận thức của người nông dân và của doanh nghiệp đối với phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử còn khá mới mẻ và có phần hạn chế. Để sản phẩm đến tay ngươi tiêu dùng thì hợp tác xã, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện, đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm.

Hiện việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai thông qua hình thức thương mại điện tử bước đầu đã đem lại một số kết quả tạo cơ sở để tiếp tục triển khai ứng dụng này trong tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản đặc trưng khác của tỉnh Lào Cai.

Trong thời gian tới, để việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử có thể tiến xa hơn và phát triển bền vững, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tiếp cận các sàn thương mại điện tử và phương thức quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu của sản phẩm, doanh nghiệp, địa phương trên môi trường điện tử, môi trường số.

Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là xây dựng được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín và đảm bảo thông tin minh bạch, chính xác khi sản phẩm giao đến người tiêu dùng, tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng.

Từ thực tế cho thấy, những tháng gần đây, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trong và ngoài nước tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn. 

Trước diễn biến này, việc phân phối, tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã đến mùa vụ thu hoạch, cần tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh ...

Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các phương án tiêu thụ truyền thống, các địa phương đã rất chú trọng việc xúc tiến thương mại và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Vỏ sò, Lazada, VN Post, Sendo để nông sản đi xa và nhanh đến tay người tiêu dùng hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên diện rộng. 

Qua nỗ lực của các ban ngành, rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như vải thiều Thanh Hà, Vải thiều Lục Ngạn, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận Tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), Lê Tai Nung Si Ma Cai, Nho (Ninh Thuận) hiện đang được bán ở những vị trí ưu tiên trên các sàn thương mại điện tử có uy tín cho thấy thương mại điện tử đã và đang thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong việc góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói riêng và sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản bằng nền tảng thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO