Hơn 82,1 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới

T. Trang - Theo Worldometers| 30/12/2020 11:20

BVCL - Đến sáng 30/12, toàn thế giới có trên 82,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 1,79 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với hơn 19,8 triệu ca mắc và 345.500 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 112.900 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số người mắc COVID-19 là trên 10,2 triệu ca, bao gồm hơn 148.400 trường hợp tử vong. Ngày 29/12, hơn 20.400 ca nhiễm mới đã được báo cáo tại quốc gia này.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận trên 56.600 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 7,5 triệu trường hợp. Trên 192.600 bệnh nhân COVID-19 đã tử vong vì đại dịch tại quốc gia này.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 25,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 555.100 ca tử vong. Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục khiến Chính phủ các nước châu Âu lo ngại khi mùa đông đã đến và những kỳ nghỉ là một phần của nguyên nhân lây nhiễm tăng cao.

Hơn 82,1 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới - Ảnh 1.

Pháp đang tăng cường phòng dịch sau kì nghỉ. (Ảnh: AP)

Sau mỗi kỳ nghỉ, số người bị lây nhiễm COVID-19 tại Pháp lại tăng cao hơn. Trong đợt hè vừa qua, số người nhiễm COVID-19 tăng đáng kể, dẫn đến việc áp đặt giãn cách xã hội lần hai. Hiện tại, Chính phủ Pháp đang cân nhắc xem họ sẽ phải làm gì, có đối sách như thế nào để có thể kiểm soát được dịch.

Từ 3 ngày nay, Pháp đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19. Tuy nhiên, nếu so tốc độ người nhiễm COVID-19 hiện nay với việc tiêm chủng, Pháp khó có thể kiểm soát được ngay dịch bệnh. Do đó, Chính phủ Pháp đã ra một thay đổi mới. Theo đó, tại một số tỉnh phía Nam, Pháp sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 18h, thay vì 20h như hiện tại. Trong thời gian tới, nếu số lượng người nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, người dân lo ngại có thể sẽ dẫn đến việc giãn cách xã hội lần ba. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực và tính kỷ luật của người Pháp trong những ngày nghỉ lễ, tết sắp tới.

Anh cần phải tiêm vaccine COVID-19 cho 2 triệu người mỗi tuần mới có thể tránh được làn sóng dịch thứ 3. Đây là khuyến cáo được đưa ra trong một nghiên cứu mới của các chuyên gia y tế Anh. Cũng theo nghiên cứu, cùng với việc tiêm vaccine, Anh phải áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất như nâng mức giãn cách xã hội lên cấp cao nhất (cấp độ 4), đóng cửa các trường học trong tháng 1/2021. Nếu không đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 2 triệu người mỗi tuần, số ca mắc, nhập viện, bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong năm 2021 có thể sẽ đều vượt các con số của năm 2020.

Hơn 82,1 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới - Ảnh 2.

Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, được tiêm mũi vaccine COVID-19 của BioNTech-Pfizer đầu tiên tại Anh. (Ảnh: AP)

Đến nay, Anh đã ghi nhận trên 2,38 triệu ca mắc COVID-19, 71.500 trường hợp thiệt mạng. Ngày 29/12, hơn 53.100 người nhiễm bệnh mới đã được xác nhận ở Anh.

Lần đầu tiên trong gần 2 tháng trở lại đây, Thái Lan ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Trong khi đó, số ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng tiếp tục gia tăng. Như vậy, sau hơn 10 ngày bùng phát dịch tại tỉnh Samut Sakhon, đến nay đã có 43/77 tỉnh, thành phố của Thái Lan có người mắc COVID-19 mới trong cộng đồng.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, một số tỉnh thành của Thái Lan đã quyết định đóng cửa trường học; hạn chế các hoạt động tụ tập đông người; hủy chương trình đếm ngược đón năm mới, thay thế bằng chương trình bắn pháo hoa dọc theo sông Chao Phraya và truyền trực tiếp để người dân cả nước theo dõi.

Indonesia quyết định sẽ cấm du khách nước ngoài nhập cảnh trong vòng 2 tuần. Quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, được áp dụng đối với toàn bộ du khách quốc tế, ngoại trừ các quan chức chính phủ cấp cao. Người nước ngoài đến Indonesia trong giai đoạn từ ngày 28 - 31/12/2020 sẽ phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR âm tính trước giờ khởi hành 24 tiếng. Khi đến Indonesia, hành khách phải xét nghiệm một lần, nếu kết quả âm tính vẫn phải cách ly bắt buộc trong 5 ngày. Các điều kiện trên cũng được áp dụng đối với công dân Indonesia trở về nước.

Trên 727.100 ca mắc đã được ghi nhận tại Indonesia, trong đó có hơn 21.700 trường hợp tử vong. Ngày 29/12, thêm hơn 7.900 người đã nhiễm COVID-19 tại quốc gia này.

Hơn 82,1 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới - Ảnh 3.

Indonesia sẽ cấm du khách nước ngoài nhập cảnh trong vòng 2 tuần. (Ảnh: AP)

Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 40 ca tử vong do COVID-19 trong một ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này ghi nhận ca mắc đầu tiên vào cuối tháng 1, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 859 ca.

Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Hàn Quốc gia tăng mặc dù nhà chức trách đã kéo dài các biện pháp hạn chế gắt gao hơn. Hiện Hàn Quốc đang đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 với nhiều ổ dịch tập trung tại các nhà dưỡng lão và một nhà tù ở phía Đông thủ đô Seoul. Ước tính, hơn 500.000 người đã đi xét nghiệm tại các trung tâm xét nghiệm tạm thời ở khu vực thủ đô trong 2 tuần qua, trong số này, hơn 1.400 người được xác định mắc COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Cơ quan Phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hàn Quốc lại xác nhận đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở 3 người từ Anh nhập cảnh Hàn Quốc vào ngày 22/12 vừa qua.

Chính phủ Campuchia đã ra chỉ thị cho phép các cơ sở giáo dục tư nhân đón học sinh trở lại lớp kể từ ngày 29/12, trong khi các trường công lập được mở cửa lại từ ngày 11/1/2021. Trước đó, các trường học ở Campuchia đã phải đóng cửa và chuyển sang dạy trực tuyến sau vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại nước này, còn gọi là “sự cố cộng đồng ngày 28/11”. Ngày 29/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố, sự cố này đã được kiểm soát vì không phát hiện thêm ca mắc mới.

Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 41 ca mắc COVID-19 liên quan đến sự cố ngày 28/11, trong đó 37 người đã khỏi bệnh.

Tại Nhật Bản, Thượng nghị sĩ Yuichiro Hata thuộc đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập đã tử vong sau khi mắc COVID-19. Đây là nghị sĩ đầu tiên ở Nhật Bản tử vong vì virus SARS-CoV-2 gây căn bệnh nguy hiểm này. Ông Hata có một số bệnh nền, trong đó có bệnh tiểu đường. Đến nay, Nhật Bản đã có trên 223.100 người mắc COVID-19, hơn 3.300 trường hợp tử vong. Gần 2.900 ca nhiễm COVOD-19 mới đã được ghi nhận trong ngày 29/12 ở quốc gia này.

Theo
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 82,1 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO