Kinh tế

Vĩnh Phúc: Kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng

Anh Đức 14/10/2023 - 07:37

Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng.

tp-vinh-yen_2023306200.jpg
Vĩnh Phúc là địa phương duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi.

Top đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công tăng

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu phục hồi trong quý II và quý III năm 2023, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng GRDP của tỉnh đạt 1,69%, 9 tháng đầu năm tăng 2,1%; GRDP theo giá hiện hành tăng 3,1%. Vĩnh Phúc là tỉnh duy nhất trong nhóm 5 tỉnh tăng trưởng âm phục hồi, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,49%; Khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,74%; Khu vực dịch vụ tăng 8,43%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,84%.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư công. Để thực hiện điều đó, từ cuối năm 2022 UBND tỉnh đã giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các chủ đầu tư, các huyện, các xã; thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án để điều chỉnh, điều hòa phù hợp tăng khả năng giải ngân vốn đầu tư cho dự án; chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng và lộ trình tháo gỡ các vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng;

Đặc biệt tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và phân công cụ thể các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công theo quy định.

Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, đến hết tháng 9 toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 hơn 11 nghìn tỷ đồng, giải ngân ước đạt trên 5,6 nghìn tỷ đồng bằng 73,6% so với kế hoạch vốn trung ương giao. Tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2023 đạt cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 (38,8%); cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (đạt 39,6%) và xếp thứ 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Các chỉ số thành phần thuộc chỉ số PCI được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm để nâng cao. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan nhà nước, chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh thông qua Tổ giúp việc đã được tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết. Nhiều hội nghị được UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức để tiếp nhận thông tin, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh...

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, theo đó tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhàđầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh.

Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm, cụ thể: 9 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 491 triệu USD vốn đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 67,7% và đạt 122,8% kế hoạch. Đồng thời, đã thu hút đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt 206,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,05 lần so với kế hoạch năm 2023.

Trong 9 tháng đầu năm đã có một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHFLEX VINA ‑ 1 với tổng mức đầu tư 816.000 triệu đồng; Dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng mức đầu tư 120.000 triệu đồng; AEON MOTOR VIETNAM CO., LTD với tổng mức đầu tư 564.000 triệu đồng; Dự án sản xuất, gia công khay, hộp phục vụ ngành công nghiệp, thương mại điện tử với tổng mức đầu tư 840.000 triệu đồng; Công ty TNHH UNI ‑ CALSONIC Việt Nam với tổng mức đầu tư 240.000 triệu đồng; Nhà máy ENPLAS (Việt Nam) Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 168.000 triệu đồng; Dự án ACCTON Việt Nam với tổng mức đầu tư 288.000 triệu đồng; Dự án Nhà máy Công ty TNHH công nghệ tiên tiến NIDEC Việt Nam với tổng mức đầu tư 105.000 triệu đồng; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Sơn Lôi với tổng mức đầu tư 1.864.000 triệu đồng.

Đối với công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao dự toán ngân sách nhà nước cho các cấp; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh nuôi dưỡng nguồn thu; chỉ đạo cơ quan Thuế kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế, đôn đốc quyết liệt các khoản thu thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, các khoản thu từ đất, thu phí, lệ phí.

Kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm ước đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% so với dự toán và bằng 73,1% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng bằng 56,2% so với dự toán và bằng 73,3% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu ước đạt 3.500 tỷ đồng bằng 70% dự toán và bằng 71,8% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 12,16 nghìn tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán và bằng 75,8% so với cùng kỳ năm 2022; Các khoản thu từ đất ước đạt 1,075 nghìn tỷ đồng, đạt 53,1% dự toán và bằng 37,3% so với cùng kỳ năm 2022; Các khoản thu còn lại ước đạt 2,165 nghìn tỷ đồng, đạt 85,2% dự toán và bằng 104% so với cùng kỳ năm 2022.

Thu ngân sách từ một số doanh nghiệp chủ lực như: Công ty Honda Việt Nam ước đạt 5,809 nghìn tỷ đồng, đạt 72,8% dự toán, bằng 88,8% so với cùng kỳ năm 2022; Công ty Toyota Việt Nam ước thu 3,923 tỷ đồng, đạt 58,2% dự toán, bằng 62% so với cùng kỳ năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Phúc: Kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO