Người khuyết tật có được kết hôn không?

LVN| 09/09/2022 08:00

Tuy pháp luật không cấm nhưng với những người bị thiểu năng mà có sự hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi (có hoặc không có quyết định của Tòa án) thì việc đăng ký kết hôn có thể gặp khó khăn, khi cán bộ tư pháp xã, phường tiếp nhận và xử lý thông tin về điều kiện đăng ký kết hôn.

Hỏi: Tôi có dự định kết hôn với chị A. Tuy nhiên, cán bộ hộ tịch từ chối việc đăng ký kết hôn của tôi với lý do chị A bị khuyết tật trí tuệ. Vậy trong trường hợp trên, tôi có được phép đăng ký kết hôn với chị A không? Chị A đã đủ tuổi kết hôn và chỉ bị khuyết tật ở mức độ nhẹ. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Khi kết hôn, các bên nam nữ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn của Luật Hôn nhân và gia đình và phải có đăng kí kết hôn tại có quan có thẩm quyền thì việc kết hôn mới được công nhận là hợp pháp.

347.jpg
Ảnh minh họa

Điều kiện kết hôn là điều kiện do pháp luật quy định mà các bên nam, nữ cần phải có mới có quyền được kết hôn. Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;”

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Đồng thời, theo Hiến pháp việt Nam năm 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”.

Vì vậy, tất cả công dân Việt Nam đều có quyền kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện bình đẳng tiến bộ một vợ một chồng dựa theo nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và thỏa mãn không vi phạm các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật trên.

Tuy nhiên, trong trường hợp bạn và chị A muốn kết hôn với nhau mà chị A bị khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ và cán bộ hộ tịch từ chối việc đăng ký kết hôn là có căn cứ khi xem xét trên khía cạnh điều kiện năng lực hành vi dân sự.

Căn cứ theo Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015, mất năng lực hành vi dân sự có thể hiểu là “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.

Trên thực tế, người bị thiểu năng trí tuệ là người có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi thấp hơn những người bình thường, do vậy có thể việc để họ thể hiện sự tự nguyện của họ đối với việc đăng ký kết hôn trên thực tế có thể không rõ ràng. Vì vậy, tuy pháp luật không cấm nhưng với những người bị thiểu năng mà có sự hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi (có hoặc không có quyết định của Tòa án) thì việc đăng ký kết hôn có thể gặp khó khăn, khi cán bộ tư pháp xã, phường tiếp nhận và xử lý thông tin về điều kiện đăng ký kết hôn.

Như phân tích trên, pháp luật chỉ cấm kết hôn đối với những người mất năng lực hành vi dân sự. Nếu chị A bị khuyết tật trí tuệ ở mức độ nhẹ nhưng chứng minh được việc nhận thức chậm hơn người bình thường nhưng vẫn có thể tự giao tiếp như người bình thường, có thể tự nhận thức làm chủ hành vi của mình, chưa bị mất năng lực hành vi dân sự thì xác định chị A không thuộc trường hợp không đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình nêu trên. Hai bạn vẫn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn như bình thường nếu những điều kiện khác các bạn đáp ứng đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người khuyết tật có được kết hôn không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO