Kinh tế

Kiểm dịch chặt chẽ nông sản xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn

Hoài Anh (t/h) 06/02/2024 - 18:36

Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn sẽ siết chặt công tác kiểm tra mặt hàng nông sản thông quan. Điều này nhằm không để dịch bệnh truyền thống và ngoại lai lây lan bùng phát.

Những ngày sát và ngoài tết Nguyên đán, các mặt hàng nông sản thông quan qua cửa khẩu Lạng Sơn tăng mạnh cả về số lượng lẫn các mặt hàng. Vì thế, lực lượng chức năng tại các cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt chẽ an toàn của những mặt hàng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh ngoại lai.

Thống kê từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng cho thấy thời điểm đầu năm 2024, trung bình mỗi ngày có từ 1.100-1.300 phương tiện được thông quan qua các cửa khẩu.

Lạng Sơn kiểm dịch chặt chẽ nông sản xuất nhập khẩu | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Kiểm dịch chặt chẽ nông sản xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn nhằm hạn chế sự lây lan bùng phát của dịch bệnh ngoại lai.

Trong đó số phương tiện có hàng xuất khẩu là khoảng 400-500 xe (phần lớn là mặt hàng nông sản, hoa quả tươi).

Lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã siết chặt kiểm tra, quản lý, sử dụng các máy móc chuyên dụng hiện đại nhằm kiểm soát chặt chẽ độ an toàn của của mặt hàng nông sản, không để dịch bệnh truyền thống và ngoại lai lây lan bùng phát.

Tân Thanh là cửa khẩu có lượng hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu lớn của tỉnh Lạng Sơn. Đây được coi là "cửa ngõ" xuất khẩu nông sản của các tỉnh phía Nam để đến với thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt hơn, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, mỗi ngày có hàng nghìn tấn thực phẩm được làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu; trong đó, chủ yếu là các mặt hàng rau củ, hoa quả tươi và một số loại mặt hàng khô. Những loại hàng này luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh ngoại lai xâm nhập.

Nắm được vấn đề trên, Chi Cục Kiểm dịch vùng VII - Lạng Sơn đã chỉ đạo Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh tăng cường nhân lực, kiểm soát chặt chẽ các loại nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu; đánh giá mức độ nhãn mác, vùng trồng, sâu bệnh… theo chuyên ngành để tránh rủi ro, hạn chế tổn thất kinh tế.

Đơn vị đã chỉ đạo các Trạm kiểm dịch trực thuộc để phân công bố trí cán bộ theo dõi, làm việc, giải quyết thủ tục có liên quan đến kiểm dịch cho doanh nghiệp; đồng thời vận hành máy móc, phục vụ tốt cho công việc. Cùng đó, đơn vị còn tích cực tuyên truyền đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để họ đáp ứng đầy đủ những yếu tố, quy định cũng như nhu cầu vè chất lượng và an toàn các mặt hàng.

Đầu năm 2024, địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 7 cửa khẩu diễn ra các hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa là Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma, Nà Nưa, Na Hình, Hữu Nghị và Cửa khẩu Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng.

Đối với mặt hàng trái cây, hoa quả tươi và nông sản chủ yếu được làm thủ tục qua hai cửa khẩu là Tân Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Cùng với lực lượng kiểm dịch, Hải quan các cửa khẩu cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đảm bảo về trình tự và tuân thủ quy trình về kiểm tra, kiểm dịch, trên cơ sở luôn tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản. Đồng thời, các đơn vị Hải quan bố trí cán bộ xử lý tờ khai 24/24h, kể cả trong giờ nghỉ trưa, trong thời gian nghỉ lễ…

Tính toán từ cơ quan Hải quan Lạng Sơn cho thấy, với các lô hàng hoa quả xuất khẩu thì chỉ mất 2-3 phút là có thể thực hiện thông quan.

Song song với các biện pháp tạo thuận lợi cho mặt hàng nông sản hoa quả tươi xuất nhập khẩu dễ dàng, nhanh chóng đúng pháp luật của lực lượng chức năng cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, thì hơn hết rất cần sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn mặt hàng xuất nhập khẩu. Qua đó đảm bảo tiêu chí về kiểm dịch, góp phần ổn định môi trường xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lạng Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm dịch chặt chẽ nông sản xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO