Trong nước

Hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật đối với trí tuệ nhân tạo

PV 11/05/2024 - 07:51

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật về trí tuệ nhân tạo: Kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị chính sách cho Việt Nam ”. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tham dự và chủ trì hội thảo.

Đồng chủ trì hội thảo có ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, Bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý Nguyễn Văn Cương.

thu-trg-ngoc.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TH.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trên cơ sở Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành, xác định sự cần thiết phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, Bộ Tư pháp đã và đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuôn khổ chính sách, pháp luật đối với trí tuệ nhân tạo và sẽ tiếp tục các nghiên cứu khác trong thời gian tới.

Theo bà Kristina Buende, Trưởng Ban Hợp tác, Phái đoàn EU tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã mở ra nhiều cơ hội phát triển và cả những thách thức cho Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Liên minh châu Âu và của Việt Nam cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó đề xuất các chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo phù hợp với thể chế chính trị, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, các mục tiêu của Việt Nam.

toan-canh-ht-btp.jpg
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HT

Tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao các bước tiến của Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo. Ông Patrick Haverman đề xuất một số chủ đề cần tập trung thảo luận như: Khuôn khổ pháp luật đảm bảo việc sử dụng có đạo đức, có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo; vai trò của các quốc gia trong việc xây dựng, thực thi pháp luật điều chỉnh trí tuệ nhân tạo…

"UNDP sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện, thúc đẩy khuôn khổ pháp lý để phát triển khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo một cách an toàn, giảm thiểu rủi ro", ông Patrick Haverman cho biết.

Đại diện Bộ Công nghệ và Khoa học nhận định, theo kết quả đánh giá và công bố trong báo cáo “Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ” do Oxford Insight thực hiện, năm 2023, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia trên thế giới, đứng thứ 5/10 trong khối ASEAN về khai thác ứng dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành và cung cấp dịch vụ, tăng một bậc so với năm 2022.

Để thúc đẩy triển khai Chiến lược trí tuệ nhân tạo hiệu quả hơn nữa, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị các bộ, cơ quan liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chiến lược. Trong đó, cần tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách; chủ động nghiên cứu kinh nghiệm các nước và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, tăng cường nghiên cứu, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cũng tại hội thảo, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu, trí tuệ nhân tạo là công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đang được các quốc gia chú trọng phát triển để khẳng định vị thế về chính trị, kinh tế. Để thúc đẩy phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tính đột phá, Việt Nam cần quan tâm đến việc xây dựng và ban hành các biện pháp, chính sách thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ trí tuệ nhân tạo sản xuất trong nước; xây dựng hệ thống pháp luật quản lý trí tuệ nhân tạo, trong đó quy định mức độ rủi ro, tính tin cậy, thực thi đạo đức và cách thức quản lý sản phẩm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo...

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật đối với trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO