Năm 2023 là năm đầu tiên chứng kiến dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm mạnh nhất trong 3 năm gần đây. Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường.
Tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Nhưng hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% (năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%).
Tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%).
Năm 2023 là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm mạnh nhất trong 3 năm gần đây. Nhìn lại thời điểm cuối năm 2022, tín dụng cho lĩnh vực này tăng 31,01%.
Nguyên nhân của thực trạng trên do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm. Các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19 thì lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Dù một số chỉ số kinh tế vĩ mô trong nước đang có xu hướng diễn biến tích cực, như xuất khẩu tháng 7 tăng 2,1% so với tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 3,9%... nhưng chiều hướng đi xuống của các tháng trước đó quá sâu, nên tính chung 7 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ không chỉ năm 2022 mà cả các năm trước nữa.
Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị điều hành hạn chế, thiếu phương án kinh doanh khả thi, tài chính còn thiếu minh bạch...