Thời sự

Thủ tướng: Đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Duy Tuấn - Hữu Tuấn- Mai Đỉnh 18/05/2025 - 20:50

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68, hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống...

Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới (Nghị quyết 66) và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68).

tt1.jpeg
Toàn cảnh hội nghị.

8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới hơn 37 ngàn điểm cầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị…

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; các đồng chí nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết (dự tại điểm cầu TP. HCM); Trương Tấn Sang (dự tại điểm cầu Long An); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (dự tại điểm cầu TP. HCM); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; các nguyên Thường trực Ban Bí thư: Lê Hồng Anh (dự tại điểm cầu TP. HCM), Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Ban Bí thư; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương… cùng hơn 1,5 triệu đại biểu tại các điểm cầu trên cả nước.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".

tt3.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động kèm theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68. Phương châm đặt ra là phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.

Trên cơ sở Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện để thực hiện thành công Nghị quyết 68-NQ/TW, hiện thực hóa mục tiêu đưa KTTN trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chung sức, đồng lòng, kề vai, sát cánh với các cấp, các ngành, các địa phương để sớm đưa Nghị quyết 68-NQ/TW vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.

tt5.jpeg
Các đại biểu tham dự hội nghị tại hội trường Diên Hồng.

Chuẩn bị phát động "phong trào toàn dân thi đua làm giàu

Đáng chú ý, để triển khai nghị quyết, Thủ tướng cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động "phong trào toàn dân thi đua làm giàu", đóng góp, xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

"Sau khi có Nghị quyết 68 phải phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu. Bộ Nội vụ sẽ chủ trì việc này. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói mọi người, mọi nhà, mọi gia đình, tất cả các thành phần kinh tế tham gia vào mới làm được. Phải phát động phong trào thi đua làm giàu trên cả nước"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ, doanh nghiệp quan tâm nhiều đến phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Nghị quyết nêu quan điểm tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án. Thủ tướng đề nghị tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Về kế hoạch hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết số 68, Thủ tướng nêu rõ phương châm "quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm".

Theo Nghị quyết 68 đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Về tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO