Văn hóa - Giải trí

Độc đáo lễ Tết rừng của người Mông Nà Hẩu

Thành Nam - Thụy Bình 06/03/2024 - 07:19

Lễ hội Tết rừng ở Nà Hẩu (Yên Bái) không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, giúp bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng dân tộc Mông mà còn góp phần thiết thực bảo vệ rừng.

Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và là nơi định cư lâu đời của các dòng họ người Mông, xã Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên cách trung tâm huyện 30km. Toàn xã có diện tích tự nhiên 5.693,52ha và 502 hộ, với 2.227 khẩu, trong đó người Mông chiếm 92%. Xã có 3 thôn gồm: Ba Khuy, Trung Tâm và Bản Tát.

Những năm qua, rừng luôn là nguồn sống, che chở cho đồng bào dân tộc Mông trong xã. Theo quan niệm của người Mông Nà Hẩu, rừng là tất cả, là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm.

Người Mông Nà Hẩu cũng quan niệm những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống, tưới tiêu cho đồng ruộng và cũng mang lại hệ sinh thái tự nhiên giúp họ sung túc hơn nhờ làm du lịch sinh thái, du lịch xanh.

Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Mông Nà Hẩu, hàng năm nhân dân trong xã đều tổ chức Tết rừng. Tết rừng được dựa trên ý nghĩa lịch sử truyền thống và tập tục lâu đời của dân tộc Mông với ý nghĩa cảm tạ trời đất, cảm ơn thần rừng, thần núi, cầu mong các vị thần che chở, bảo vệ và giúp người Mông Nà Hẩu có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc và bình yên.

Bên cạnh đó, lễ tục này cũng mang ý nghĩa cầu mong cho cây cối, gia súc, gia cầm phát triển, cho sự trường tồn của các dòng họ cùng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng nguyên sinh.

Tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng thần rừng với những quy định "bất khả xâm phạm”.

Theo truyền thống cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu "rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức lễ cúng thần rừng. Dù đời sống ngày càng hiện đại và có nhiều đổi thay nhưng nhiều năm nay, người Mông Nà Hẩu vẫn duy trì tục lệ tốt đẹp này.

Lễ hội cúng rừng (Tết rừng) của người Mông Nà Hẩu năm 2024 sẽ được UBND huyện Văn Yên (Yên Bái) tổ chức trong 2 ngày 8/3 và 9/3/2024 (tức ngày 28 - 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Chương trình khai mạc sẽ được tổ chức vào tối ngày 8/3/2024 (tức ngày 28 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại sân vận động xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.

tetrung.jpg
Theo kế hoạch, nghi lễ cúng rừng sẽ được thực hiện vào sáng ngày 09/3/2024 (ngày 29 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Mở đầu lễ hội cúng rừng Nà Hẩu sẽ là nghi lễ rước lễ vật lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng thầnrừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.

Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về bốn phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ khác bên gốc cây cổ thụ...

Sau lễ hội Tết rừng, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng. Trong thời gian này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục. Đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…

Để thực hiện tốt việc kiêng kị này, từ vài ngày trước, phụ nữ ở các gia đình phải xay ngô, giã gạo, lấy rau, lấy củi, gói bánh chưng, giã bánh dày, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm cho người và vật nuôi. Đây cũng là dịp để đồng bào Mông Nà Hẩu ăn Tết rừng, đi chơi nhà thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết, chuẩn bị tinh thần cho một năm lao động mới với niềm tin về những điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu, huyện Văn Yên không chỉ là một nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng nguyên sinh của người Mông xã Nà Hẩu nói riêng và nhân dân Văn Yên nói chung.

Đồng thời đây cũng là dịp quảng bá, nhân rộng và thúc đẩy ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước đưa Nà Hẩu thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn và bản sắc, tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng lâu dài, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo lễ Tết rừng của người Mông Nà Hẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO