Văn hóa - Giải trí

Để cánh diều Bá Dương Nội bay cao, bay xa

Nhóm tác giả (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) 29/05/2024 - 15:47

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa, làng Bá Dương Nội là ngôi làng nhỏ nằm ven sông Hồng, thuộc xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. Nơi đây, người dân vẫn hằng ngày vẫn duy trì thú chơi sáo diều truyền thống, xem đây như một thói quen nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đặc trưng của làng Bá Dương Nội.

Nơi lưu giữ thú chơi diều truyền thống của Thủ đô

Tương truyền, cách đây hàng nghìn năm, làng Bá Dương Nội là vùng bãi phù sa rộng lớn của sông Hồng, trẻ em và người lớn nơi đây thường làm diều và mang diều ra bãi thả. Ở Bá Dương Nội, gần như ai cũng biết làm diều. Trẻ nhỏ làm những chiếc diều bé xinh; còn người lớn thì làm những chiếc diều sải cánh tới hơn 2m.

lang-ba-duong-noi.jpg
Chiếc diều truyền thống làng Bá Dương Nội.

Đến với làng Bá Dương Nội, các cụ cao niên trong làng thường kể những người trẻ về thú chơi diều, như để nhắc nhớ về một truyền thống đẹp. Theo đó, thú chơi diều và Lễ hội thả diều ở làng diễn ra vào rằm tháng Ba hằng năm gắn liền với tích ông Nguyễn Cả, một vị tướng giỏi thời nhà Đinh.

Tương truyền, tướng Nguyễn Cả sau khi cùng vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân đã về quê dạy người dân trồng trọt, mở mang cơ nghiệp. Những ngày tháng hưởng cuộc sống điền viên, ông đã bày cho đám trẻ trong làng nhiều trò vui, trong đó có trò chơi thả diều. Sau khi ông mất, người dân làng Bá Dương Nội lập miếu thờ và mở hội thi diều hằng năm để tưởng nhớ công ơn ông.

Ở nước ta, làng Bá Dương Nội là một trong số ít những ngôi làng có nhiều người dân biết làm diều và thích thả diều. Lễ hội thi thả diều tại làng Bá Dương Nội vào ngày rằm tháng Ba Âm lịch hàng năm là lễ hội thả Diều lớn nhất miền Bắc được gìn giữ cho đến ngày nay. Hội thi nhằm chọn ra những cánh diều đẹp nhất, bay cao nhất và có tiếng sáo hay nhất... để trao giải. Hội thi đã vượt ra ngoài không gian làng quê và ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, thưởng thức.

lang-dieu-5-1689242495288671637823.jpg
Làm diều là thú chơi, cũng là hình thức tri ân thần linh Châu Thổ của người làng Bá Dương Nội. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Đến với Bá Dương Nội vào đúng dịp hội làng, du khách không chỉ được biết về cách thức làm diều, mà còn được hòa mình vào không khí náo nức, vui tươi của một lễ hội thả diều lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Dân làng thả diều để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bệnh tật tiêu tan. Nếu diều càng lên cao, tiếng sáo kêu càng hay thì năm đó dân làng càng có cuộc sống sung túc, hạnh phúc.

Điều đáng nói, người dân nơi đây không làm diều để bán, họ làm diều chỉ để thỏa mãn thú chơi diều và tự hào được mang diều đi giao lưu trong các lễ hội diều trong nước và quốc tế. Người làng Bá Dương Nội tự hào vì đã nhiều lần được mời tham dự Festival diều ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia… Thú chơi diều từ đời này qua đời khác luôn được các thế hệ con cháu trong làng cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Để văn hóa làm diều “bay cao, bay xa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế hội nhập quốc tế, mỗi làng nghề truyền thống - một bản sắc bản sắc đang dần lấy lại vị trí quan trọng của mình đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia; khẳng định nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Đối với làng diều Bá Dương Nội, người dân làm diều không phải để buôn bán, mưu sinh, mà vì thỏa mãn thú chơi diều, nhất là mỗi khi mang diều đi giao lưu ở các lễ hội diều trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, dường như những chiếc diều sáo độc đáo nơi đây không bị cuốn vào vòng xoáy của nền kinh tế thị trường. Hàng trăm năm đã trôi qua, cánh diều Bá Dương Nội đến nay vẫn giữ được hồn quê trong trẻo, thanh tao.

Nói không ngoa, ở làng nghề Bá Dương Nội, ai sinh ra cũng biết làm diều. Có thể nói, những cánh diều dường như đã đi vào tiềm thức, gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ ai sinh ra trong làng. Ở Bá Dương Nội, từ em bé tóc còn để chỏm đến các cụ già đều say mê diều. Họ có thể tự chế tác ra những cánh diều kỳ diệu; nhưng để diều bay cao, thăng bằng, không chao đảo, âm thanh của sáo đạt đến độ tinh tế, phải nhờ đến bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làm diều, chơi diều lâu năm.

hoi-thi-tha-dieu-ba-duong-noi-2024-19.jpg
Lễ hội diều truyền thống làng Bá Dương Nội năm 2024.

Qua lời kể của các vị cao niên, việc chơi diều sáo của người Bá Dương Nội cũng là cách để họ gìn giữ truyền thống của cha ông để lại. Diều có nhiều loại và được đặt tên theo hình dáng cánh diều, như Cánh Muỗm, Cánh Chanh, Cánh Mộc… Diều Cánh Muỗm cong, dài và to, chở được nhiều sáo, dễ thả, dễ lên. Diều Cánh Chanh bầu cánh hơn diều Cánh Muỗm, khi thả có khả năng lên cao hơn. Diều Cánh Mộc thì càng bầu cánh hơn nữa, đặc điểm là lên rất cao nhưng thả rất khó cho nên thường được làm để thi.

Khung diều làm bằng tre, sáo diều bằng giấy hoặc bằng vải, nhưng đặc trưng của con diều là phải đảm bảo cân bằng. Hai cánh diều phải cân bằng về kích thước, trọng lượng, chiều dài, chiều rộng. Diều mà bị xê lệch, một bên bé hơn bên kia thì chắc chắn không thể bay được. Đặc biệt, những người chơi diều muốn con diều bay cao, thì vấn đề quan trọng là phải biết giữ nèo và điều chỉnh nèo.

Cuộc sống ngày càng phát triển, kỹ thuật làm diều cũng được cải tiến hơn. Ngày xưa, diều thường được dán bằng giấy nên nhanh rách. Hiện nay, người Bá Dương Nội đã cải tiến lên một bước mới. Họ dùng chất liệu vải nhằm tăng độ bền của cánh diều. Hoặc trước kia người ta thường dùng dây đay làm dây diều thì ngày nay được thay thế bằng dây nilon. Bộ khung diều cũng vậy, nếu trước đây làm bằng những thanh tre nguyên đoạn dài, thì ngày nay được cải tiến thành các khớp nối có thể gấp gọn lại.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương xã Hồng Hà và thôn Bá Dương Nội cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống của nghề làm diều. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, mỗi năm, xã đều tổ chức các dạy lớp làm diều cho học sinh cấp một, cấp hai, thu hút hàng trăm học sinh từ các trường học trên địa bàn xã. Hoạt động này vừa tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh trong dịp hè, đồng thời cũng là dịp để các nghệ nhân làm diều Bá Dương Nội truyền nghề cho lớp trẻ.

lang-dieu-3-16892415730501276107398.jpg
Du khách thích thú xem diều. Ảnh: VOV

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết, từ những kết quả trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa làm diều, đến nay làng Bá Dương Nội đã có 01 nghệ nhân dân dân và 03 nghệ nhân ưu tú trong nghề làm diều sáo. Đặc biệt, tháng 2/2024 vừa qua, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống làm diều sáo, tại Lễ hội thả diều Bá Dương Nội năm nay, UBND xã Hồng Hà đã tổ chức hội nghị công bố Quyết định của UBND huyện Đan Phượng về việc cho phép thành lập Câu lạc bộ Diều sáo truyền thống xã Hồng Hà. Đây sẽ nơi sinh hoạt, giao lưu trao đổi kinh nghiệm của những người yêu thích chơi diều sáo trên địa bàn xã, góp phần gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

tha-dieu4.jpg
Để cánh diều Bá Dương Nội bay cao, bay xa

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà trăn trở, hiện nay, các làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn và thách thức trong bảo tồn và phát triển. Mặc dù Bá Dương Nội đã hoàn thành một phần nhiệm vụ khó khăn là bảo tồn thành công nghề làm sáo diều, nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cần có các giải pháp triệt để và nhiều chính sách hơn để phát triển kinh tế làng nghề từ chính sản phẩm truyền thống. Ông cũng mong muốn xây dựng và phát triển làng Bá Dương Nội thành một địa điểm du lịch cộng đồng, một điểm đến thường xuyên của du khách trong và ngoài nước, để từ đó đưa văn hóa làm diều bay cao, bay xa hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để cánh diều Bá Dương Nội bay cao, bay xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO