Chống tham nhũng không có vùng cấm

Ban biên tập| 23/08/2022 17:47

Hiện nay, phòng, chống tham nhũng cần phải song hành với việc chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, tránh tư tưởng lo ngại chống tham nhũng sẽ cản trở phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong bộ phận cán bộ đảng viên… Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!

Bảo vệ Công lý xin giới thiệu bài viết “Chống tham nhũng không có vùng cấm” của tác giả Tấn Đức nhân đọc cuốn sách “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới” do TS. Lưu Hoàng Vân chủ biên.

img-2233.jpg
Bìa cuốn sách “Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới” do TS. Lưu Hoàng Vân chủ biên.

Tham nhũng là vấn đề xã hội nhức nhối và bức xúc của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, nó phá hoại đời sống xã hội, làm chậm tiến trình tăng trưởng kinh tế, cản trở việc đầu tư, giảm cơ hội việc làm và suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Thấy rõ cơ hội và thách thức của Đảng ta trong bối cảnh hiện nay, các đồng chí tâm huyết trong lĩnh vực này như PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, TS. Lưu Hoàng Vân, Trần Duy Hưng, Cao Văn Thống, Phạm Hải Chuyền,… mỗi người một lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung ý tưởng, cũng như nhiều trăn trở về trách nhiệm của đảng viên, đã cùng gửi gắm tiếng chuông cảnh báo vang rộng trong phong trào phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực), 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng. Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc. Các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án, với gần 1.100 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...

Đặc biệt, đã xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc, đánh bạc... ” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, TP Hồ Chí Minh (DAB); vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố” - trong bài viết “Một số vấn đề về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới”, TS. Lưu Hoàng Vân cho biết.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu thể hiện sự kiên quyết không khoan nhượng đối với tham nhũng tiêu cực trong chiến dịch đốt lò “không vùng cấm”; hay bài viết của TS. Lưu Hoàng Vân, Phó Viện trưởng Viện Thanh tra và Phòng chống tham nhũng nói về “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới”… tất cả nhằm khơi dậy lòng tự trọng, đề cao tinh thần yêu nước, ý chí của những người đảng viên trong sáng hướng tâm chung lo cho dân tộc ngày càng phồn vinh.

Đến thời điểm hiện tại là đã gần 1 năm kể từ khi CBCS Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an) phát hiện, điều tra, xác minh các sai phạm xảy ra tại Công ty Việt Á, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ hơn 80 đối tượng trong đó cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh và hàng loạt cán bộ cao cấp khác…

Về vụ án ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, đại diện Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố 7 bị can về tội "Nhận hối lộ" và 3 bị can về tội "Đưa hối lộ". Kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD. "Tuy nhiên, vụ án đang trong giai đoạn điều tra, việc xác định mỗi bị can đưa bao nhiêu, nhận bao nhiêu cần phải chờ kết luận điều tra", đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết.

img-2235.jpg
img-2236.jpg

Trước đó, cuối tháng 1/2022, Bộ Công an khởi tố Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự), Đỗ Hoàng Tùng (Phó Cục trưởng), Lê Tuấn Anh (Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự) và Lưu Tuấn Dũng (Phó Phòng Bảo hộ công dân) về tội "Nhận hối lộ". Ngày 25/3, Bộ Công an khởi tố bị can, tạm giam Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) về tội "Đưa hối lộ". Đến ngày 14/4, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt giam ông Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

Ở nước ta, trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, việc phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa chính trị, xã hội, pháp lý rất quan trọng, góp phần khôi phục kỷ cương trong Đảng, tăng cường sức mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội. Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thiết thực, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có vai trò rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, các hoạt động thanh tra, kiểm tra đã trực tiếp góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của các vụ việc tham nhũng có thể xảy ra…

Nhận thức rõ vai trò quan trọng này, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát coi như không lãnh đạo. Kiểm tra, giám sát vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng.

Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát vừa góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, vừa là nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, đủ sức gánh vác, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo cương quyết kịp thời: “Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới; nơi nào tự kiểm tra không phát hiện, hoặc phát hiện nhưng xử lý vi phạm nương nhẹ thì cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý đúng mức, không “rút kinh nghiệm” chung chung. Giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng xuống đến cả đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết, tránh tình trạng bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị…”.

Cần tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, những sai phạm của cán bộ khiến dư luận bức xúc. Kiểm tra toàn diện công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng; có nhiều dư luận quần chúng phản ánh, tố cáo tham nhũng; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Hơn 90 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua bao gian nan, thử thách, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Kể từ khi lãnh đạo toàn dân tộc đấu tranh chống thực dân, phong kiến, chống đế quốc thắng lợi cho đến khi hòa bình lập lại, cả nước tiến lên xây dựng CNXH, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường công tác thanh, kiểm tra gắn với đấu tranh chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong Đảng, bộ máy nhà nước và toàn xã hội.

Đảng luôn xác định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới.

Nhìn thấy cơ hội và thách thức, TS. Lưu Hoàng Vân cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu từ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ thực tiễn công việc để chắt lọc, tổng kết thành cuốn sách “Vai trò của Đảng đối với công tác thanh, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới” với mong muốn đưa đến một cái nhìn toàn cảnh về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đầy cam go, quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hiện nay, phòng, chống tham nhũng cần phải song hành với việc chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, tránh tư tưởng lo ngại chống tham nhũng sẽ cản trở phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong bộ phận cán bộ đảng viên… Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm! Chống tham nhũng là quốc sách hàng đầu cần phát huy mạnh mẽ hơn trong thời kỳ mới!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tham nhũng không có vùng cấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO