Tòa án với công dân

5 lý do để quy định 2 ngạch Thẩm phán

Duy Tuấn 27/03/2024 - 18:22

Liên quan đến đổi mới ngạch Thẩm phán, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Cạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có phát biểu đáng chú ý tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 27/3 khi cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ tán thành với dự thảo Luật quy định 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán là cơ bản phù hợp với đặc thù công tác xét xử; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách đối với Thẩm phán; nâng cao niềm tin của người dân đối với Thẩm phán; khuyến khích Thẩm phán phấn đấu, yên tâm công tác.

thuybc.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Cạn đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc chia ngạch thẩm phán đồng bộ với các chức danh tư pháp như điều tra viên, kiểm sát viên… theo bà Thuỷ, điều này chưa phù hợp vì 5 lý do sau:

Thứ nhất, nguyên tắc hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là khác nhau, vì vậy không đồng bộ được.

“Đối với điều tra, chịu nguyên tắc chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, điều tra viên chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan điều tra; cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự chỉ đạo của cơ quan điều tra cấp trên quy định tại Điều 3, 54 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra;

Đối với truy tố, chịu sự chi phối của nguyên tắc tập trung lãnh đạo thống nhất trong ngành. Kiểm sát viên chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng VKS, thậm chí Uỷ ban Kiểm sát còn có quyền cho ý kiến đối với các vụ án trước khi Viện trưởng ký quyết định theo quy định tại Điều 7, Luật Tổ chức VKSND.

Còn đối với hoạt động xét xử, chịu sự chi phối của nguyên tắc hiến định tại Điều 103 Hiến pháp, cụ thể: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Độc lập này bao gồm độc lập giữa các thành viên trong HĐXX; độc lập với tất cả tổ chức, cơ quan bên ngoài HĐXX.

Nguyên tắc này được Các Mác nêu “Thẩm phán không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp”… Như vậy, quốc tế và Hiến định của nước ta đều đề cập. Đối với hoạt động xét xử của thẩm phán, không ai có quyền can thiệp, không ai có quyền chỉ đạo, kể cả Chánh án.

Chính sự khác nhau này chi phối việc tổ chức ngạch thẩm phán khác điều tra viên và kiểm sát viên.

Thứ hai, lấy ví dụ như vụ Vạn Thịnh Phát đang diễn ra. Trong giai đoạn điều tra, có hàng chục điều tra viên được phân công tham gia điều tra vụ án. Nhưng đối với các vụ án điều tra đơn giản như khám phương tiện, chỗ ở, lệnh bắt thì chỉ cần phân công Điều tra viên sơ cấp. Đối với các hoạt động điều tra phức tạp như hỏi cung, thực nghiệm hiện trường, đánh giá chứng cứ thì cần thiết phải có điều tra viên cao cấp, có kinh nghiệm. Ngoài điều tra viên được phân công thụ lý chính vụ án, các điều tra viên khác tuỳ theo ngạch bậc, năng lực trình độ có thể chỉ được phân công tham gia một số hoạt động điều tra.

Còn với hoạt động xét xử, 2 Thẩm phán được phân công phải độc lập với nhau và tiến hành toàn diện vụ án mà không thể phân công, phân biệt như hoạt động điều tra.

Với luật sư, họ có thể chỉ cần đọc tài liệu bào chữa cho thân chủ, nhưng Thẩm phán phải thuộc từng tài liệu hồ sơ trong vụ án, dù hồ sơ có nặng 6 tấn như vụ án này. Bởi vì không nắm vững hồ sơ, không thể phát hiện mâu thuẫn để đối chất, làm rõ ngay tại phiên toà. Do đó, có ý kiến chia Thẩm phán thành sơ cấp, trung cấp, cao cấp để đồng bộ với Điều tra viên, Kiểm sát viên là không phù hợp với công việc của Thẩm phán.

tcta(1).jpeg
Toàn cảnh Hội nghị.

Thứ ba, chính sự khác nhau trong công việc giữa 3 chức danh này cho nên trong cả 3 luật tổ chức hiện hành về Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án, chỉ duy nhất Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định: “Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán”. Đồng thời, Nghị quyết 27 về xây dựng nhà nước pháp quyền cũng đặt yêu cầu “đổi mới chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo đối với đội ngũ cán bộ tư pháp, nhất là đối với Thẩm phán”.

Thứ tư, trong 3 luật hiện hành có quy định không đồng bộ, thậm chí là “rất khác nhau về tiêu chuẩn bổ nhiệm về điều kiện bổ nhiệm, cũng như về thẩm quyền bổ nhiệm”.

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra quy định: “Để được bổ nhiệm Điều tra viên sơ cấp, phải có khả năng điều tra tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng”; “Để được bổ nhiệm Điều tra viên trung cấp, phải có khả năng điều tra tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”.

Trong khi Luật Tổ chức Toà án nhân dân quy định “Để được bổ nhiệm Thẩm phán phải có năng lực xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền mà không chia theo loại tội như ở điều tra” .

tc2(2).jpeg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Về thẩm quyền bổ nhiệm, trong luật quy định, tất cả các ngạch Thẩm phán đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm, riêng Thẩm phán TANDTC phải do Quốc hội phê chuẩn. Còn ngạch Điều tra viên và Kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp hiện hành giao cho Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm.

Thứ năm, Điều 135 dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi quy định “phân công án theo nguyên tắc ngẫu nhiên”. Chúng tôi hoan nghênh việc luật hoá quy định này. Bởi vì đây là nguyên tắc tiến bộ trong quản trị toà án được luật pháp nhiều nước ghi nhận, đảm bảo tính khách quan và phòng ngừa tiêu cực ngay từ khâu phân công án.

Luật hiện hành chưa có quy định về nguyên tắc này, nhưng hiện nay TANDTC đã ban hành Thông tư 01 để hướng dẫn phân công án theo nguyên tắc ngẫu nhiên.

Việc thực thi nguyên tắc này sẽ liên quan trực tiếp đến các ngạch Thẩm phán. Theo đó, sẽ không có chuyện Thẩm phán mới được bổ nhiệm chỉ được giải quyết vụ án đơn giản, còn Thẩm phán lâu năm phải giải quyết án phức tạp. Điều này được hiểu, Thẩm phán đã qua vượt qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán quốc gia và được bổ nhiệm thì có thể phân công thụ lý bất kỳ vụ án nào theo nguyên tắc ngẫu nhiên. Do đó, chúng tôi thán thành cao với quy định của dự thảo có 02 ngạch Thẩm phán gồm Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 lý do để quy định 2 ngạch Thẩm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO