Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “vượt bão Covid-19” bằng cách nào?

Thu Trang | 28/05/2021 16:27

BVCL - Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát toàn cầu, chuyển đổi số càng được các tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng nhằm ứng phó các khó khăn do dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí và tạo cơ hội mới cho mình. Đây chính là chiếc phao cứu sinh để các doanh nghiệp vượt “bão Covid-19”.

Chuyển đối số là xu thế tất yếu

Nhiều doanh nghiệp ở nhiều địa phương đang coi việc chuyển đổi số, chuyển đổi phương thức hoạt động như một trong những giải pháp để không chỉ thích ứng với tình hình khó khăn của đại dịch, mà còn là hướng phát triển mới, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Việc chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

anh-1-.jpg
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy một bộ phận người dân tiếp cận với các phương thức thanh toán mới

Theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, 53% dân số hiện nay đã và đang tham gia mua bán trực tuyến, tạo đà cho thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18% và đạt 11,8 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Trong khi đó, năm 2020 cũng đã có 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua các ứng dụng trên internet và 33% người tiêu dùng Việt Nam đã thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Theo một khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số trong thời gian qua đã có những tiến triển rất đáng phấn khởi. Trước dịch Covid-19, hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, thêm hơn 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số.

anh-2.jpg
Ông Phạm Quang Vinh, Phụ trách Ban Nền tảng tích hợp số, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&CN

Ông Phạm Quang Vinh, Phụ trách Ban Nền tảng tích hợp số, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&CN cho rằng: Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế trên toàn cầu. Giải pháp chuyển đổi số là một chiếc phao cứu sinh giúp doanh nghiệp vượt khó.

Ông Vinh phân tích: Thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với các công nghệ thực tế ảo, internet, các ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo được áp dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó chuyển đổi số được xem là xương sống, là xu thế để tồn tại và phát triển của mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh bất định, khó lường như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi những hành vi sản xuất, tiêu dùng và cung cấp dịch vụ của các công dân toàn cầu nói chung và mỗi người Việt Nam nói riêng.

Có thể nói, chuyển đổi số là lựa chọn sống còn của các doanh nghiệp, kể từ cuối năm 2019 đến nay đại dịch Covid- 19 xuất hiện và ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã buộc các Chính phủ, các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm những giải pháp cho chuyển đổi số để nhằm duy trì hoạt động và cung cấp sản phẩm dịch vụ cho người dân.

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, việc chuyển sang nền tảng số của doanh nghiệp Việt Nam giúp thích ứng với thị trường trong bối cảnh bình thường mới. Trong đó, việc chỉ đạo, điều hành thông qua môi trường trực tuyến bắt đầu được trọng dụng. Dịch Covid-19 thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt chú trọng đầu tư vào nền tảng số, qua đó tạo thuận lợi cho đội ngũ, cán bộ nhân viên làm việc từ xa thông qua nền tảng số kết nối trong doanh nghiệp. Ví dụ như: làm việc tại nhà (work from home), bán hàng trực tuyến (Online Shopping), 1Office, thanh toán online…

Covid-19 thách thức nhưng cũng là cơ hội

Những thành công đạt được từ công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam thời gian qua được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đây là một bước tiền đề, một cơ hội “vàng” để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về sự “tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện sự sẵn sàng đón nhận dòng vốn đang chuyển dịch vào Việt Nam. Qua đó có thể nói Covid-19 là chất xúc tác rất mạnh cho quá trình chuyển đổi số không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu.

anh-dai-dien.jpg
Chuyển đổi số là lựa chọn sống còn của doanh nghiệp

Bên cạnh đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được phê chuẩn vào tháng 6/2020 cũng góp phần nâng tầm quan trọng trong việc Việt Nam thiết lập lại chuỗi cung ứng để thỏa mãn những quy định của EU và tận dụng cơ hội mà Hiệp định Thương mại này đem lại.

Dịch Covid-19 đang buộc doanh nghiệp phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình để tránh rủi ro khi quá tập trung vào một thị trường cụ thể. Xu hướng hiện nay chúng ta đang thấy là các hoạt động giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo hoạt động bền bỉ hơn và có khả năng chịu ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài tác động.

Tại Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, trong đó có lĩnh vực Ngân hàng, giao thông, tài chính, kinh doanh…. Trong đó, có các ngân hàng để có thể đưa ra dịch vụ được số hóa cao, thì bộ máy phải số hóa cao hơn. Chính vì thế, ngoài hệ thống quản trị lõi bắt buộc đối với các ngân hàng là T24, nhiều ngân hàng đã sử dụng thêm 1Office nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc. 1Office mang lại giải pháp số hóa ngân hàng và liên kết các chi nhánh ngân hàng với nhau một cách dễ dàng.

Hay Cộng Cà Phê chuyển đổi số thành công khi đồng bộ trên toàn bộ hệ thống những công việc như quản lý nhân sự, quản lý dự án, các bộ phận của backoffice. Giải pháp chuyển đổi số đã giúp chuỗi cửa hàng Cộng Cà phê quản lý mọi công việc liên quan, trở nên đơn giản, tự động hóa và tiết kiệm chi phí cũng như nhân lực, quản lý tổng thể các công việc trên, thay vì dùng nhiều giải pháp nhỏ lẻ như trước đây. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với chuyển đổi số, Cộng Cà phê vẫn đảm bảo duy trì nguồn khách hàng online đều đặn.

anh-3(1).jpg
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang từng bước đầu tư vào nền tảng công nghệ đám mây, an ninh mạng, nâng cấp phần mềm,… hướng tới chuyển đổi số toàn diện

Nền tảng số còn giúp tiết giảm nhân lực, giảm chi phí thông tin và giao dịch; chuẩn hóa qui trình, phản ứng kịp thời, qua đó giúp nâng cao hiệu quả trong việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ; nâng cao chất lượng công việc và gia tăng năng suất… Theo khảo sát của Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc VCCI, khi ứng dụng công nghệ số doanh nghiệp cũng đặc biệt kì vọng giúp giảm chi phí (hơn 71% doanh nghiệp khảo sát); giảm văn bản, giấy tờ (hơn 61% doanh nghiệp) và giúp nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh cũng như chất lượng sản phẩm (hơn 50% doanh nghiệp)…

Ông Phạm Quang Vinh, Phụ trách Ban Nền tảng tích hợp số, Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia, Bộ KH&CN nhấn mạnh. Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số ví dụ như điện toán đám mây và dữ liệu lớn để thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, sang mô hình kinh doanh nhờ sự hỗ trợ của số hóa nhằm tạo ra cơ hội và giá trị mới cho tổ chức, cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Vì thế giải pháp tốt nhất để các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chính là chủ động ứng dụng công nghệ, điều chỉnh quy trình hoạt động và kinh doanh để đáp ứng các tình hình mới theo phương thức số hóa, chuyển đổi các hạng mục dứt điểm và có đánh giá kết quả trong mỗi hạng mục. Đảm bảo các nguyên tắc về sự minh bạch thông suốt hoạt động của doanh nghiệp và một tầm nhìn bao quát trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua sự công phá của đại dịch và vững vàng hơn trên thương trường, tự tin tiến tới những cơ hội vươn tầm thế giới.

Có thể nói chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu, là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hiện nay. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, bùng phát toàn cầu, chuyển đổi số chính là chiếc phao cứu sinh mà các tổ chức, doanh nghiệp nên đẩy mạnh ứng dụng nhằm ứng phó các khó khăn do dịch bệnh gây ra; đồng thời tăng hiệu quả hoạt động cũng như tiết kiệm chi phí và tự tạo cơ hội để vươn lên.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam “vượt bão Covid-19” bằng cách nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO