TS. Nguyễn Hoàng Hiệp là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản trị doanh nghiệp, với nhiều bài viết và trả lời phỏng vấn liên quan đến các vấn đề đang được quan tâm, trong đó có chuyển đổi số. Mới đây, ông đã có cuộc trao đổi về chủ đề “nóng” này.
Được biết, ông vừa ra mắt cuốn sách “Chuyển đổi số: Từ tư duy đến thực tiễn”. Vậy, ông đánh giá quá trình này ở nước ta đã và đang diễn ra như thế nào?
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp: Ở Việt Nam, trước sự chuyển đổi nhanh chóng của công nghệ thông tin trên toàn cầu, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” với quan điểm phải chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng này là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ngày 20/5/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về “Chương trình hành động của Chính phủ” thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đề cập nhiều nhiệm vụ quan trọng về xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS), phát triển các mô hình kinh tế mới, khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển để chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Lợi thế đi sau đã giúp đất nước ta có kinh nghiệm với nhiều bài học trên thế giới, giúp chúng ta hiểu được tiềm năng của việc áp dụng công nghệ như một phương tiện tiến bộ để thay đổi cuộc sống và phát triển của xã hội vì lợi ích của người dân ngày một văn minh và hiện đại. Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ đem lại giá trị trong việc thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả trong sản xuất, làm cho các doanh nghiệp trong nước đang thúc đẩy CĐS bắt kịp xu hướng hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam.
Giai đoạn 2021-2025 được xác định là giai đoạn Chính phủ đưa ra nhiều quyết định, chính sách quan trọng, chuẩn bị cho một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tính hội nhập sâu hơn nữa vào nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và đạt 30% vào năm 2030.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh số hóa nói chung và số hóa doanh nghiệp nói riêng, chúng ta cần thay đổi cách thức quản trị vận hành trong doanh nghiệp bằng nhiều mô hình quản trị hiện đại như: Phân cấp, phân quyền trong quản lý theo từng cấp độ và vai trò của các cấp quản lý; đánh giá hiệu quả công việc bằng các chỉ tiêu thực tế trong quản trị. Việc này giúp cho các nhà quản trị chủ động trong điều hành sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu doanh nghiệp và hiệu quả của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi từ nền quản trị mang tính truyền thống sang nền quản trị bằng ứng dụng công nghệ ở Việt Nam luôn là bài toán khó vì cần có những điều kiện cần thiết về thể chế, bộ máy thực hiện và các nguồn lực để triển khai các đột phá chiến lược cho từng khu vực ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế. Chúng ta vẫn còn đang lúng túng trong việc chọn ra các lĩnh vực cốt lõi để tập trung đầu tư, trong bối cảnh hạn hẹp về ngân sách và nhân lực. Một rào cản khác chính là chưa có đột phá trong thay đổi tư duy về CĐS.
Với định hướng chiến lược đầu tư dài hạn, chuẩn bị ngân sách đầy đủ để thực hiện được việc xây dựng nền tảng kỹ thuật chuẩn bị chuyển đổi sang kinh tế số, doanh nghiệp cần lựa chọn các nhà cung cấp đủ năng lực, có kinh nghiệm đi trước từ những quốc gia thành công trên thế giới trong quá trình CĐS đóng vai trò trong việc tư vấn lựa chọn công nghệ, xác định mục tiêu kỳ vọng, thiết lập kế hoạch phát triển, đảm bảo duy trì phát triển lâu dài bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có đủ khả năng tiếp nhận, vận hành hệ thống được chuyển giao từ các nhà cung cấp trong suốt quá trình xây dựng nền tảng kinh tế kỹ thuật số.
Ông cho rằng chúng ta đang ở đâu trong thang điểm đánh giá về tiến trình chuyển đổi số?
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp: Với những gì mà nước ta đã đạt được trong thời gian qua trong quá trình CĐS, có thể nhận định rằng chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế và có thể cho là chậm so với các nước phát triển trong khu vực, cũng như sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ hiện nay.
Trước hết, trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chúng ta đang trong tình trạng thiếu nguồn cung nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường lao động và nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam đang có lợi thế với lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, nhưng nhìn chung còn yếu về chất lượng. Chúng ta thiếu hụt lao động có tay nghề cao; chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động ngày càng lớn, lao động thiếu năng động và sáng tạo, tác phong chuyên nghiệp...
Theo ông, doanh nghiệp Việt muốn chuyển đổi số thành công, cần những yếu tố gì? Và yếu tố nào là quan trọng nhất?
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp: Việc điều chỉnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ hỗ trợ tất cả các tổ chức kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Thay đổi hoàn thiện chính sách theo khuôn khổ mới sẽ giúp đất nước phát triển đồng bộ hơn, bộ máy vận hành trơn tru hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cho phát triển bền vững, nâng cao năng lực thực thi pháp luật đảm bảo công khai, minh bạch của các cơ quan quản lý trong tất cả các lĩnh vực giúp cho doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực và quốc tế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong CĐS quốc gia.
Sự đột phá trong quản trị và mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải vạch ra một chiến lược dài hạn cùng với kỳ vọng phải đạt đến mục tiêu CĐS thành công. Đồng thời, phải khẳng định đây là xây dựng một dự án đầu tư dài hạn, mất nhiều thời gian, công sức, tài chính, và đặc biệt phải nhất quán trong bộ máy lãnh đạo mới có thể mở rộng được quy mô, thay đổi và cải tiến công nghệ nhanh chóng, phù hợp với từng giai đoạn trong quá trình xây dựng nền tảng kinh tế số.
Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được xác định là yếu tố quyết định đến ngân sách đầu tư, lộ trình triển khai và đích đến của dự án chiến lược này. Cần phải nhanh chóng thực hiện và phải đạt được một sản phẩm khả thi tối thiểu để làm thước đo các chỉ số thành công của dự án thông qua xác định các chỉ số hoạt động chính của doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả các chỉ số kinh doanh, các chỉ số tài chính hướng tới sự thành công của doanh nghiệp
Do vậy, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một yếu tố quan trọng. Phải kết hợp nhiều lĩnh vực đào tạo ưu tiên, có tầm quan trọng không chỉ đối với hệ thống giáo dục mà còn đối với quốc gia trong công cuộc làm chủ công nghệ 4.0 để phát triển kinh tế. Kết quả đầu ra của các phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 làm tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, góp phần giữ vững và tăng vị trí xếp hạng quốc tế của các trường, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước và các doanh nghiệp để tạo ra khả năng nhạy bén hơn với các vấn đề mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tạo thế mạnh luôn đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy. Thông qua các hoạt động của dự án, các mối quan hệ hợp tác sẽ được mở rộng, đặc biệt với các doanh nghiệp trong việc phát triển các sản phẩm công nghiệp 4.0.
Phát triển các trường đại học nghiên cứu đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, trong đó các đơn vị chuyên môn được tổ chức thành một số trường, khoa, viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc. Chương trình đào tạo phải cập nhật thường xuyên và thích ứng với yêu cầu của doanh nghiệp quốc tế và trong nước.
Cùng với đó, hình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, thu hút mạnh tài trợ và đầu tư của nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; đưa hệ thống giáo dục quốc gia lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng năng lực sáng tạo đồng thời trọng tâm cho sáng tạo và chuyển giao công nghệ phải đến từ hệ thống các trường đại học.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
“Chuyển đổi số: Từ tư duy đến thực tiễn” là cuốn thứ hai của TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, sau cuốn “Khởi đầu của kỷ nguyên số hóa” gồm 41 bài viết, được dư luận đánh giá cao.
“Chuyển đổi số: Từ tư duy đến thực tiễn” là tập hợp các bài báo, các bản tham luận hội thảo, trả lời phỏng vấn có hàm lượng thông tin khoa học và thực tiễn của một chuyên gia đã làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.