Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án

Mai Đỉnh| 22/10/2021 10:34

BVCL - Tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án về pháp luật và áp dụng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày 21/10, tại Hà Nội, Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án” trong khuôn khổ triển khai thực hiện Dự án “Cải thiện môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN” do TANDTC phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức. Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC chủ trì buổi Tọa đàm.

Tới dự có ông Nguyễn Văn Dũng, Thẩm phán TANDTC; ông Patrick Haveman, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; bà Trần Hương Giang, Cố vấn Môi trường kinh doanh và dịch vụ tài chính, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc TANDTC. 

Về phía chuyên gia có các ông, bà: Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Trần Văn Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Luật, Trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế quốc dân; đại diện Công ty Luật AdVacas, Công ty luật T&G.

Mục đích của buổi Tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức cho các Thẩm phán, cán bộ Tòa án về pháp luật và áp dụng pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

hoi-thao-so-huu-tri-tue2.jpg
Tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án”

Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là một trong những loại vụ án được Tòa án các cấp thụ lý, đưa ra xét xử theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về sở hữu trí tuệ. 

Đặc biệt, bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, TANDTC luôn quan tâm chỉ đạo Tòa án các cấp tổ chức quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ để nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xét xử, giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết, kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy các vụ án loại này hết sức phức tạp, khó khăn, đặc biệt là việc áp dụng pháp luật về sở hữu trí tuệ để xác định hành vi xâm phạm, giá trị thiệt hại phát sinh trên thực tế do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Do đó, có nhiều vụ án các Tòa án phải trưng cầu ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hoặc phải thông qua việc giám định để làm cơ sở kết luận có hay không có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giá trị thiệt hại và các vấn đề khác. Mặc dù vậy, kết quả tổng kết thực tiễn cũng cho thấy số lượng đơn khởi kiện mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu Tòa án giải quyết là không nhiều.

Theo thống kê của TANDTC, từ năm 2017 đến hết 6/2021, Tòa án cấp sơ thẩm cấp huyện, cấp tỉnh chỉ thụ lý, giải quyết 45 vụ án. Trong đó, có 37 vụ án tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan, 08 vụ án tranh chấp về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, hợp đồng chuyển giao công nghệ.

hoi-thao-so-huu-tri-tue1.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC chủ trì buổi phát biểu tại buổi Tọa đàm

Đánh giá về nguyên nhân các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ ít sử dụng biện pháp khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, TANDTC nhận thấy từ trước tới nay, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thường sử dụng biện pháp hành chính để yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này xuất phát từ quan điểm việc áp dụng biện pháp hành chính thường nhanh chóng, có tính ngăn chặn, không phức tạp và đỡ tốn kém hơn là biện pháp khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu xử lý hình sự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đều chỉ quy định xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ bằng các biện pháp dân sự và hình sự, rất ít nước có quy định xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tuệ bằng biện pháp hành chính.

Đối với Việt Nam, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên như: Hiệp định Đối tác chiến lược và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ... đều có yêu cầu cam kết về biện pháp bảo vệ dân sự và hình sự đối với quyền sở hữu trí tuệ.

Trong bối cảnh đó, dự báo trong thời gian tới, số lượng các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ tăng lên nhiều, đặc biệt là các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xuyên quốc gia xảy ra trên mạng Internet. Đây là những vụ án hết sức phức tạp về tính chất, mức độ tranh chấp, cũng như hết sức khó khăn trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam, luật Việt Nam hay luật nước ngoài được áp dụng để xem xét, giải quyết tranh chấp.

hoi-thao-so-huu-tri-tue.jpg
Quang cảnh buổi Tọa đàm 

Tại buổi Tọa đàm, các Thẩm phán, cán bộ của Tòa án cùng các chuyên gia trong nước trao đổi, thảo luận về cách hiểu cũng như cách thức áp dụng các quy định của pháp luật trong nước về quyền sở hữu trí tuệ, cùng nghe giới thiệu khái quát về kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ để tham khảo, học tập.

Các tham luận xoay quanh vấn đề áp dụng pháp luật quyền sở hữu trí tuệ như: Xác định hành vi xâm phạm quyền trong thủ tục bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại Tòa án; Giải quyết tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan nhìn từ vụ án điển hình; Pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Tòa án; Pháp luật Việt Nam - Kinh nghiệm quốc tế hay Pháp luật về sở hữu trí tuệ và thực tiễn giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án một số nước và một số đề xuất cho Việt Nam được các đại biểu ghi nhận và đánh giá cao.

Cùng với đó, trong buổi Tọa đàm các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến trao đổi cũng như thảo luận sôi nổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn còn có cách hiểu khác nhau.

hoi-thao-so-huu-tri-tue3.jpg
Buổi Tọa đàm có sự tham gia trực tuyến từ 50 điểm cầu tại các TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện thuộc tỉnh niền Bắc 

Kết thúc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC cảm ơn sự chia sẻ của chuyên gia, ý kiến các đại biểu đã nhiệt tình hợp tác để cung cấp, trao đổi kiến thức pháp luật, thảo luận các vấn đề liên quan về pháp luật và áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ cũng như kinh nghiệm quốc tế với các Thẩm phán, cán bộ của Tòa án. 

Đồng thời, qua đó giúp các Thẩm phán, cán bộ của Tòa án nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của công tác giải quyết, xét xử các vụ án dân sự tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đối với việc tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phát triển đất nước nhanh, bền vững và dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc gia và quốc tế trong giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO