Diễn đàn "Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập" được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác thương mại song phương và chia sẻ thông tin về thị trường cũng như tìm kiếm đối tác.
Vừa qua, hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ai Cập (1963-2023) được tổ chức vào ngày 13/12 tại thành phố Giza, tỉnh Giza. Trong khuôn khổ của hoạt động, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã phối hợp với Phòng Thương mại Giza của Ai Cập tổ chức Diễn đàn "Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập" nhằm giúp các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin về thị trường cũng như tìm kiếm đối tác.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện hơn 40 doanh nghiệp Ai Cập và một số doanh nghiệp của Việt Nam. Đây là cơ hội để thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, thắt chặt tình hữu nghị giữa 2 nước.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Ai Cập khi hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
Ai Cập là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông-Bắc Phi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Quan hệ thương mại giữa hai nước thậm chí còn được thiết lập sớm hơn quan hệ ngoại giao khi Văn phòng Thương mại của Việt Nam tại Ai Cập được thành lập vào năm 1958.
Cả 2 nước đã nhất trí sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới, tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi hàng hóa, đặc biệt là nông sản, may mặc, dệt may và phân bón.
Trong khuôn khổ buổi diễn đàn, đại diện Việt Nam đã giới thiệu khái quát về bức tranh kinh tế của Việt Nam, đồng thời nêu bật những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn suy giảm tăng trưởng do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Việt Nam đã xác định 3 động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, với một trong số đó là mở rộng quan hệ thương mại với các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ, cũng như tăng cường quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống.
Ai Cập là một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam trong khu vực với những lợi thế về địa chính trị. Việt Nam và Ai Cập có nhiều dư địa để hợp tác và cơ hội để mở rộng thị trường cho cả hai bên. Hai nước có thể hợp tác cùng nhau để đưa kim ngạch thương mại song phương từ 595 triệu USD năm 2022 lên cao hơn và sớm đạt 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã chia sẻ và trao đổi thông tin về nhu cầu thị trường của nhau cũng như các cơ hội hợp tác. Nhiều doanh nghiệp của Ai Cập bày tỏ quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông sản và thủy sản.