Thấu hiểu văn hóa đa dân tộc, Thẩm phán vững bước giữa đại ngàn

Dương Vương| 02/03/2023 10:57

BVCL - Đại ngàn Sông Hinh (Phú Yên) giáp ranh với các tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, nơi giao thoa truyền thống của 22 dân tộc thiểu số. Chính sự đa dạng văn hóa này cũng đã tạo nên những cán bộ Tòa án rất đặc biệt.

thau-hieu-van-hoa-da-dan-toc-tham-phan-vung-buoc-giua-dai-ngan-hinh-anh0793956066.jpg
Phiên tòa trực tuyến có người phiên dịch ở địa phương với từng vụ án đa dân tộc.

Già làng uy tín đồng hành trong từng vụ án

Cách thành phố biển Tuy Hòa về hướng Tây, đến với vùng đất Sông Hinh vang vọng âm thanh đàn tính của dân tộc Tày, bản nhạc đàn Tơ Rưng, tiếng đàn Klông-pút của dân tộc Ê-đê, du dương giai điệu tù và của người Dao,... Sông Hinh không chỉ là vùng đất lễ hội của 22 dân tộc, đặc sắc nhất với Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê Phú Yên”.

Thẩm phán Bùi Châu Kha – Chánh án TAND huyện Sơn Hinh chia sẻ: “Địa phương có 22 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán và văn hóa khác nhau. Do rào cản ngôn ngữ, việc tiếp xúc lấy lời khai, hướng dẫn thủ tục của đương sự gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mỗi mùa lễ hội của từng dân tộc sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thụ lý vụ việc. Trước khó khăn đó, tôi luôn động viên Thẩm phán và Thư ký nỗ lực khắc phục bằng mọi phương pháp phù hợp nhất”.

Năm 2022, TAND huyện Sông Hinh thụ lý, giải quyết 313/358 vụ, việc (đạt tỷ lệ 87,43%). Trong đó, 100% án hình sự được xét xử (35 vụ/56 bị cáo), án dân sự đạt 86.07% (giải quyết 278/323 vụ, việc). Mặc dù khó khăn về ngôn ngữ và địa lý, TAND huyện Sông Hinh nỗ lực thực hiện hòa giải thành đạt 61,15% (170/278 vụ, việc), thực hiện 3 phiên tòa trực tuyến và 1 phiên tòa xét xử lưu động.

Gắn bó với TAND huyện Sông Hinh suốt 12 năm qua, Thẩm phán Bàn Thị Tiên (SN 1985, người Dao) tâm tình: “Ở địa phương miền núi hiểm trở như Sông Hinh, chúng tôi luôn phải vượt suối, băng rừng đến từng nhà người dân khá vất vả. Nhưng đều đó không khó khăn hơn việc tiếp xúc với người dân, bởi cách trở ngôn ngữ, do đó phải nhờ chính quyền xã, già làng uy tín để giao tiếp với đương sự của dân tộc khác.

Rất may người dân đều thật thà, hứa với già làng ra sao thì thực hiện đúng như vậy, mặc dù chậm nhưng chất lượng luôn đảm bảo. Vì điều kiện khó khăn đủ bề, rất mong cấp trên cho cơ chế hỗ trợ đi lại, tổ chức tập huấn về nghiệp vụ giao tiếp với người đồng bào thiểu số không biết chữ”.

Ghi nhận sự cống hiến của tập thể TAND huyện Sông Hinh, TANDTC đã trao tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc và Tập thể Lao động xuất sắc năm 2022. Bên cạnh đó, TANDTC cũng tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho 2 Thẩm phán Bùi Châu Kha (trực tiếp giải quyết 35/36 vụ, đạt tỷ lệ 97,22%) và Thẩm phán Bàn Thị Tiên.

thau-hieu-van-hoa-da-dan-toc-tham-phan-vung-buoc-giua-dai-ngan-hinh-anh1668727944.jpg
TAND huyện Sông Hinh khắc phục khó khăn về trang thiết bị cho phiên tòa trực tuyến

Sáng tạo và lan tỏa lòng nhân ái

Với những khó khăn đặc thù trên đại ngàn Sông Hinh, từng cá nhân TAND huyện không ngừng phấn đấu, khắc phục trở ngại, chạy đua với thời gian năm công tác và về đích trên cả kỳ vọng. Từ hoàn cảnh tiếp xúc trực tiếp với đa dạng dân tộc, Chánh án Bùi Châu Kha thấu hiểu thực tế, tồn tại của địa phương giáp ranh với Tây Nguyên.

Trong 3 năm qua, Chánh án Bùi Châu Kha thực hiện các đề tài sáng kiến kinh nghiệm gồm: Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, lực lượng cốt cán ở cơ sở trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với công tác hòa giải án dân sự, án hôn nhân gia đình huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên (năm 2020); Giải pháp hoàn thiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo để nâng cao chất lượng giải quyết các loại án tại TAND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên (năm 2021) và Giải pháp khắc phục án bị hủy từ thực tiễn TAND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên (năm 2022). Các sáng kiến này đều được  TAND tỉnh Phú Yên thẩm định và công nhận.

Song hành cùng sáng tạo xây dựng các đề tài ứng dụng thực tiễn, TAND huyện Sông Hinh chia sẻ khó khăn với người nghèo. Điển hình về hoạt động nhân ái như đóng góp Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; triển khai mô hình "Cơ quan đơn vị giúp đỡ thôn (buôn) khó khăn và cán bộ công chức giúp đỡ hộ nghèo"; hỗ trợ người nghèo và học sinh khó khăn tại Buôn Bá, xã Ea Bá (kinh phí 5,6 triệu đồng); tặng xe đạp cho học sinh nghèo La O Bảo Châu (trị giá 1,8 triệu đồng); tặng 350 suất quà trung thu (kinh phí 17,5 triệu đồng) và tham gia chương trình văn nghệ “Vui rằm trung thu với các cháu”.

thau-hieu-van-hoa-da-dan-toc-tham-phan-vung-buoc-giua-dai-ngan-hinh-anh21125495015.jpg
Chánh án Bùi Châu Kha (áo trắng) băng rừng, vượt suối đến từng buôn làng tìm hiểu sự việc và văn hóa các dân tộc.

Bên cạnh đó, cá nhân Chánh án Bùi Châu Kha nhận hỗ trợ thường xuyên đối với em La O Bảo Châu (học sinh lớp 4 trường Tiểu học và THCS Đức Bình Tây) với mức 100.000 đồng/tháng; hỗ trợ thường xuyên đến người nghèo ở buôn Mả Vôi và buôn Quang Dù (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh).

“Lần đầu TAND huyện Sông Hinh đạt Cờ thi đua TAND, toàn thể cán bộ và người lao động vô cùng tự hào. Thành tựu này đã động viên chúng tôi tiếp tục cống hiến, nỗ lực hơn nữa cho dù mọi hoàn cảnh và khó khăn sắp tới”, Chánh án Bùi Châu Kha bày tỏ.

Ghi nhận nỗ lực của TAND huyện Sông Hinh, ông Trần Huy Đức - Chánh án TAND tỉnh Phú Yên bày tỏ: “Kết thúc công tác 2022, TAND huyện Sông Hinh vinh dự được TANDTC tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc, đây là niềm vinh dự của huyện nói riêng và của ngành Tòa án ở tỉnh Phú Yên.

Sông Hinh là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, có 22 dân tộc với ngôn ngữ đa dạng, địa hình đi lại phức tạp và hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Vượt qua khó khăn như vậy, TAND huyện Sông Hinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngừng sáng tạo và hoạt động nhân ái, xứng đáng là đơn vị TAND cấp huyện tiêu biểu năm nay. Tôi hy vọng năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Phú Yên nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tốt hơn nữa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấu hiểu văn hóa đa dân tộc, Thẩm phán vững bước giữa đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO