Thành phố đầu tiên của Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng

Tào Đạt (Theo The Guardian)| 09/06/2021 16:29

BVCL - Thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) có thể là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi đã thực hiện các chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Bác sĩ George Rutherford, giáo sư dịch tễ học tại Đại học California San Francisco (UCSF) cho biết, thành phố San Francisco có thể là thành phố lớn đầu tiên của Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng với COVID-19.

Theo ông Rutherford, thành phố này vẫn ghi nhận một số lượng nhỏ các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, khoảng 13,7 ca một ngày, song dịch bệnh không có khả năng lan rộng trong cộng đồng.

“Đó là khả năng miễn dịch cộng đồng. Vẫn có những trường hợp nhiễm bệnh đơn lẻ, nhưng chúng sẽ không phổ biến”, ông Rutherford nói.

san-1623225474103.jpg
Thành phố San Francisco, California, Mỹ. Ảnh: ABC7

Hiện giới y tế vẫn chưa thể đưa ra một tỷ lệ chính xác dân cư có kháng thể chống lại virus nhằm xác định miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng liên tục "di động" do sự xuất hiện của các biến chủng virus. 

Các chuyên gia y tế ước tính, khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ đạt được khi 80 đến 90% cư dân đã được tiêm phòng. Đến nay, gần 80% dân cư thành phố San Francisco đã được tiêm ít nhất một liều vaccine và 68% dân cư toàn thành phố này đã được tiêm đủ 2 liều.

Theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Francisco (UCSF), San Francisco đã đủ điều kiện đạt miễn dịch cộng đồng nếu tính theo số người đã được tiêm chủng. Tuy vậy, ông vẫn cho rằng COVID-19 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn ở Mỹ.

Phân tích những lợi thế của San Francisco trong việc đạt được miễn dịch cộng đồng, giáo sư Rutherford cho rằng, thành phố có ít trẻ em hơn so với nơi khác, khiến nó có tỷ lệ lớn hơn cư dân đủ điều kiện tiêm chủng. Hơn nữa, cư dân San Francisco tuân thủ biện pháp an toàn và mong muốn tiêm chủng.

Ngoài ra, thành phố San Francisco cũng có diện tích nhỏ, dân cư sống tập trung. Điều này khiến cho nhân viên y tế dễ dàng trong việc triển khai chương trình tiêm chủng.

Nhìn rộng ra, bang California chuẩn bị mở cửa trở lại và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch từ ngày 15/6 tới sau khi 58% dân số được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19. California là một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở Mỹ, nhưng vẫn thấp hơn 11 bang khác, trong đó có Vermont, Massachusetts và Hawaii.

Hiện tại, Mỹ là nước thực hiện chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nhất thế giới. Đến nay, Mỹ đã tiêm tổng số 303 triệu liều vaccine, 42,6% người dân được tiêm đủ liều vaccine.

Nỗ lực tiêm chủng ở Mỹ được đẩy mạnh trong bối cảnh nước này đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với 34.242.866 ca nhiễm bệnh, trong đó có 613.052 người chết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố đầu tiên của Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO