Trong điều kiện thiếu biên chế, trụ sở chật hẹp, xuống cấp trầm trọng, TAND quận Tân Bình (TP. HCM) đã đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, TAND quận Tân Bình đã giải quyết 832/1.565 vụ, việc, đạt tỷ lệ 53,16% (tỷ lệ giải quyết chung của TAND hai cấp TP.HCM là 37,56%). So với cùng kỳ năm 2022, thụ lý tăng 39 vụ, giải quyết tăng 63 vụ.
Chất lượng giải quyết các loại án được nâng lên. 6 tháng đầu năm 2023 có 1 vụ bị hủy, 5 vụ án bị sửa. Đặc biệt, trong 832 vụ, việc đã giải quyết thì số án dân sự đã giải quyết là 754 vụ, chiếm tỷ lệ 90,6%, không có án bị hủy. Tổng số việc hòa giải thành 511 vụ, việc, chiếm tỷ lệ 67,8%.
TAND quận Tân Bình đã công bố 420 bản án, quyết định có hiệu lực trên cổng thông tin điện tử TAND và tổ chức 40 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Để đạt được kết quả trên, theo Thẩm phán Nguyễn Văn Trí, Chánh án TAND quận Tân Bình, đơn vị đã áp dụng đồng thời nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp nâng cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu, nêu gương của cán bộ lãnh đạo là yếu tố quyết định.
Mặt khác, nâng cao năng lực, bản lĩnh và ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức (CBCC), đặc biệt là Thẩm phán.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ gìn đoàn kết nội bộ để đội ngũ CBCC ra sức phấn đấu, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ án tạm đình chỉ, hàng tuần lãnh đạo đơn vị kiểm tra số lượng án tạm đình chỉ. Qua đó, nhắc nhở, đôn đốc và yêu cầu Thẩm phán có kế hoạch giải quyết kịp thời hoặc phối hợp cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Yêu cầu từng Thẩm phán xây dựng kế hoạch giải quyết cho từng loại án, từng tháng. Nâng cao chất lượng, số lượng các vụ, việc giải quyết. Đặc biệt là tăng cường công tác hòa giải, đối thoại.
Bên cạnh đó, TAND quận Tân Bình đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tư pháp. Đơn vị thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm tạo sự thống nhất trong hoạt động.
Quy trình tiếp nhận, xử lý, thụ lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đảm bảo 100% các loại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo đúng thủ tục tố tụng, không để tình trạng đơn để quá hạn.
Đơn vị tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng khai thác sử dụng phần mềm thống kê các loại án nên số liệu luôn được cập nhật đầy đủ, chính xác, tạo thuận lợi cho việc báo cáo và điều hành công việc của cơ quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, TAND quận Tân Bình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Hiện nay, đơn vị có 26 Thẩm phán nhưng chỉ có 9 Thư ký trực tiếp giải quyết án, 2 Thư ký làm công tác văn phòng. Mỗi Thư ký phải giúp việc cho 3 Thẩm phán, dẫn đến công việc quá tải, chất lượng công tác chưa được đảm bảo tốt nhất.
Chánh án Nguyễn Văn Trí chia sẻ, bên cạnh những khó khăn chung của hệ thống Tòa án như số lượng án thụ lý ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, thiếu biên chế, thiếu kinh phí cho thừa phát lại tống đạt, TAND quận Tân Bình còn phải đối mặt với tình trạng trụ sở xuống cấp, thiếu phòng làm việc.
Trụ sở TAND quận Tân Bình được đưa vào hoạt động từ trước năm 1992, diện tích đất sử dụng 565m2, diện tích sàn 1.180m2. Hiện nay nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng, mái dột, tường nứt, thấm, nền sụp lún gây bất an cho CBCC đơn vị.
Với diện tích nhỏ, TAND quận Tân Bình chỉ có 2 phòng xét xử, chưa bố trí được phòng xét xử người chưa thành niên; phòng hòa giải, đối thoại bố trí tạm; kho lưu trữ hồ sơ đã bị lấp đầy.
Chánh án Nguyễn Văn Trí cho biết, lãnh đạo cấp trên và địa phương rất quan tâm đến việc bố trí đất, xây dựng trụ sở mới cho TAND quận Tân Bình. Tuy nhiên, thủ tục phải qua nhiều cơ quan nên đến nay vẫn chưa được bàn giao đất.
Hiện nay, UBND quận Tân Bình đã đề xuất và chờ ý kiến của UBND TP.HCM, giao cho TAND quận Tân Bình khu đất có diện tích 1.250m2 tại số 19 đường Đông Sơn, phường 7, quận Tân Bình để xây dựng trụ sở làm việc mới.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, TAND quận Tân Bình vẫn đặt ra mục tiêu cao để phấn đấu trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, tỷ lệ giải quyết chung phải đạt từ 85%-90%; trong đó, án hình sự giải quyết trên 95%; án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động trên 85%.
Tỷ lệ án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm so với năm 2022; Tổ chức ít nhất 10 phiên tòa trực tuyến; Tỷ lệ hòa giải thành trong dân sự phải đạt trên 60%; không có án xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm.