Sơn La: Nỗ lực thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy

PV| 18/11/2022 22:10

BVCL - Thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, của cả cộng đồng.

931d0ba23e66e438bd77.jpg
Học viên Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống ma túy. Ảnh: Tạp chí Lao động và Xã hội

UBND tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống ma túy với nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin báo, đài, tuyên truyền lưu động, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp… tập trung tuyên truyền tại các địa điểm tập trung trường học, khu dân cư, địa bàn các xã, thị trấn, nhất là các địa bàn trọng điểm về ma túy, nhóm người có nguy cơ cao mắc các tệ nạn về ma túy như thanh niên, học sinh, sinh viên, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới; người nghiện và nghi nghiện ma tuý; duy trì chuyên trang, chuyên mục, đăng tin, bài và tăng thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống ma túy từ tỉnh tới huyện, xã, nhất là những địa bàn trọng điểm về ma túy.

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở triển khai công tác truyền thông, hưởng ứng “Tháng hành động phòng chống ma túy”; "Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS".... ; các cơ sở điều trị nghiện ma túy đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch của đơn vị về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người đang thực hiện cai nghiện qua hệ thống loa phát thanh vào các buổi sáng, buổi trưa, buổi tối bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc Thái, Mông. Ngoài ra, còn tư vấn cho các học viên về tác hại của ma túy, HIV/AIDS cách phòng tránh lây nhiễm chéo, cách chăm sóc bệnh nhân tại gia đình và cộng đồng, tránh kỳ thị phân biệt đối xử với các học viên có HIV, mở thư viện đọc sách...

Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cho cán bộ cơ sở trong tham mưu tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến 2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 9/10/2017 về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Thông báo 1320-TB/TU ngày 24/10/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Quyết định số 2811/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND tỉnh về ban hành Đề án kiện toàn sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội. Đã tổ chức sắp xếp, quy hoạch các cơ sở cai nghiện trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng lộ trình đề ra.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La không có cơ sở điều trị nghiện ma túy ngoài công lập và có hai cơ sở điều trị nghiện ma túy công lập. Các cơ sở điều trị nghiện ma túy hoạt động đa chức năng, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy; tiếp nhận hỗ trợ cai cắt cơn nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, với quy mô tiếp nhận của 02 cơ sở là 2.250 học viên,

Các cơ sở điều trị nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh thường xuyên phối hợp với Công an huyện, chính quyền địa phương nơi cơ sở trú đóng; tăng cường công tác quản lý học viên, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở nhất là các dịp lễ, tết. Phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác tiếp nhận, bàn giao người đã hoàn thành quyết định cai nghiện về quản lý sau cai tại nơi cư trú; thường xuyên phối hợp với cơ quan y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

20221030-090447-mg5857.jpg
Tập huấn nghiệp vụ công cụ hỗ trợ cho viên chức, người lao động Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh

Về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng: Thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn rà soát kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của "Tổ công tác cai nghiện ma túy của xã" và "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng"; tích cực triển khai các hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng và tư vấn, hỗ trợ người sau cai nghiện trở về nơi cư trú tiếp cận với các dịch vụ y tế, các chương trình học nghề, tạo việc làm, giúp ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng cho 1.817 người.

Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm: Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2019 đến nay tiếp tục duy trì, mở rộng việc làm và chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giảm nghèo bền vững,… trong đó chú trọng, quan tâm đến công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý, cụ thể: Phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề sơ cấp cho 175 học viên về kỹ thuật trồng rau an toàn và kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho gia cầm. Ngoài ra, phần lớn các học viên đang cai nghiện tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy trong tỉnh (có đủ điều kiện sức khỏe để tham gia lao động trị liệu) đã tham gia các hoạt động lao động trị liệu phù hợp với sức khỏe thực tế của từng học viên. Thông qua hoạt động lao động trị liệu, các học viên cũng đã được chuyển giao những kỹ thuật cơ bản, từ đó có thể áp dụng thực tế, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Các hoạt động tư vấn về việc làm, thông tin thị trường lao động cho người lao động nói chung, người sau cai nghiện ma túy nói riêng được tăng cường, đẩy mạnh, đã có 27.435 lao động lượt người, trong đó có 724 người sau cai nghiện được tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các hình thức như: Tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm lưu động tại các xã, phường, thị trấn; tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp tại trung tâm dịch vụ việc làm và các văn phòng đại diện, qua điện thoại, website và Fanpape Facebook,... Kết quả người sau cai nghiện ma túy trở về cộng đồng đã chủ động tự tạo việc làm tại gia đình, qua công tác hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được vào làm tại một số đơn vị doanh nghiệp.

Các hộ gia đình có người nghiện ma túy đang cai nghiện ma túy hoặc đã chấp hành xong thời gian cai nghiện thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách như: Hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ sản xuất và được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Việc lồng ghép chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, đào tạo nghề, vay vốn giải quyết việc làm với công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy ở địa phương đã góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người sau cai nghiện ma túy ổn định cuộc sống góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Nỗ lực thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO