Sáng 31/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030.
Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giản hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.
Việc Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030. Sắp xếp lại các đơn vị hành chính này đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển, gây khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có thể gây xáo trộn cả trong hoạt động của các đơn vị hành chính và ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp. Do đó, các cấp, ngành phải quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính sao cho linh hoạt, hợp lý; bảo đảm bộ máy hành chính vẫn hoạt động trơn tru. Đặc biệt, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư nhân lực, cơ sở vật chất… Việc này phải xử lý linh hoạt, phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực của đất nước.
Đến năm 2030, sáp nhập huyện, xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định. Huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định. Xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 117 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trong đó, nêu rõ lộ trình thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 và yêu cầu, năm 2024 phải hoàn thành.
Theo số liệu báo cáo của 63 địa phương, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các địa phương đã tiến hành rà soát và đưa ra phương án dự kiến sắp xếp 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị cấp xã. Trong đó, có khoảng 16 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện; 400 đơn vị đô thị cấp xã phải sắp xếp.
Bộ Nội vụ cũng tính toán, sau khi sắp xếp, sáp nhập, dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư khoảng hơn 46.000 người. Cụ thể, số cán bộ lãnh đạo đơn vị hành chính cấp huyện dôi dư khoảng 2.500 người; cấp xã khoảng 27.900 người, cán bộ không chuyên trách cấp xã khoảng 16.000 người./.