Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng tình với các ý kiến về việc giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, và cần đẩy việc giám sát bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lên trước.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, chiều 12/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị, trước mắt cần tập trung giám sát lĩnh vực đường bộ, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, bởi đây là lĩnh vực thiết thực nhất.
Nội dung này cũng nhằm phục vụ Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 6, cho ý kiến 2 dự án Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ.
“Việc giám sát nội dung này trước không ảnh hưởng đến các nội dung khác, các lĩnh vực đường thuỷ nội địa, hàng không, hàng hải, đường sắt…có thể xem xét sau. Việc này vừa đảm bảo kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về công tác bảo đảm TTATGT để Quốc hội xem xét 2 dự án Luật về giao thông”, bà Nguyễn Thuý Anh nêu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng đồng tình đưa nội dung lĩnh vực TTATGT đường bộ vào trọng tâm giám sát vì các lĩnh vực khác chiếm tỷ trọng không lớn.
Ông Thọ cũng đề nghị, giám không nên dàn trải mà nên tập trung ở Chính phủ và một số Bộ như: Công an, GTVT; một số địa phương lớn như Hà Nội, TPHCM.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, Chính phủ nên có báo cáo chính thức, trong đó, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ tham mưu Chính phủ. Qua đó, báo cáo giám sát sẽ phục vụ Quốc hội thảo luận 2 dự án Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ hiệu quả hơn, tạo tầm nhìn chiến lược và hành lang pháp lý lâu dài.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho rằng, muốn duy trì, đảm bảo TTATGT thì phải đảm bảo hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, hệ thống trang thiết bị giám sát …
Ông Lê Văn Tuyến cũng cho rằng, giám sát chuyên đề này phạm vi rộng, gồm 5 lĩnh vực đặt ra nên Đoàn Giám sát sẽ “rất vất vả”. Ông đề nghị đối tượng giám sát nên tập trung vào một số bộ, địa phương.
“Chúng tôi cũng thấy rằng, tình hình TTATGT, tai nạn giao thông tập trung ở giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao. Nếu đặt vấn đề giám sát cả 5 lĩnh vực, chúng tôi cho rằng khó trọng tâm, trọng điểm. Chính vì vậy, nên gom lại, giám sát TTATGT đường bộ, cùng lắm thêm đường sắt, đường thuỷ nội địa”, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến nêu.
Về đối tượng, ông Tuyên cho rằng, nên tập trung một số bộ có liên quan liên đến lĩnh vực này, đồng thời cũng đề nghị nên có đề cương chung, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để báo cáo, sau đó Chính phủ tập hợp.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ nhận thức việc đảm bảo TTATGT là vấn đề quan trọng. Chính phủ sẽ phối hợp tốt với Đoàn giám sát và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp tốt.
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với các ý kiến việc giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm, nên đẩy việc giám sát bảo đảm TTATGT đường bộ lên trước để có đánh giá, phục vụ 2 Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ sắp tới./.