Những điểm mới cần lưu ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Bình Nguyên | 05/01/2021 06:10

BVCL - Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Sau đây là những điểm mới đáng chú ý của luật này.

  1. Đối tượng, thời điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định.

Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính.

cb24831988be79e020af.jpg
Triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Tòa án trong năm 2021

Hòa giải các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (gọi chung là vụ việc dân sự), theo quy định của Bộ luật Tố tụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Đối thoại đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định Luật Tố tụng hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thời điểm thực hiện hòa giải, đối thoại là sau khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nhưng trước khi Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.

2. Không được ghi âm, ghi hình trong quá trình hòa giải, đối thoại

Một trong những nguyên tắc quan trọng khi hòa giải, đối thoại là phải giữ bí mật các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại.

Cụ thể, Điều 4 Luật quy định: Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại và việc ghi chép chỉ phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại cũng như những nội dung đã ghi chép cũng phải được bảo mật.

Đồng thời, Hòa giải viên, các bên tham gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia cũng không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại trừ trường hợp được sự đồng ý của các bên.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

3. Các trường hợp phải trả chi phí hòa giải, đối thoại

Chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án do ngân sách Nhà nước bảo đảm, trừ các trường hợp sau đây thì chi phí hòa giải do các bên tham gia hòa giải, đối thoại chịu:

- Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án;

- Chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở;

- Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

- Chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại khi các bên thống nhất chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; Chi phí Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, trước khi Hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

4. Những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại

Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có 07 trường hợp không được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bao gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước;

- Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

- Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng;

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;

- Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại;

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định những vụ việc không hòa giải đối thoại tại Tòa án vừa phù hợp với tính chất hòa giải, đối thoại vừa phù hợp với Điều 206, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

hoa-giai.jpg
Một buổi hòa giải tại Tòa án

5. Quyết định hòa giải, đối thoại thành không bị kháng cáo, kháng nghị

Hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành trong một hoặc nhiều phiên. Việc hòa giải, đối thoại được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên tham gia hòa giải, đối thoại. Phiên hòa giải, đối thoại có thể được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc hình thức phù hợp khác theo đề nghị của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

Hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải, đối thoại có mặt các bên hoặc gặp riêng từng bên, yêu cầu mỗi bên trình bày ý kiến của mình về các vấn đề của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính, đề xuất phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại. Trường hợp một trong các bên có người đại diện, người phiên dịch thì Hòa giải viên phải mời họ cùng tham gia hòa giải, đối thoại.

Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.

Sau khi xem xét, nếu đủ điều kiện thì Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Ngược lại, nếu không đủ điều kiện thì không ra quyết định và chuyển biên bản cũng như tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

6. Được xem xét lại Quyết định hòa giải thành, đối thoại thành

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật được thi hành ngay, tuy nhiên, nếu phát hiện quyết định đó vi phạm những điều kiện công nhận, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải có cơ chế khắc phục.

Hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án là hoạt động ngoài tố tụng, nên quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành của Tòa án ban hành không phải là văn bản tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Vậy nên không thể xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm mà phải có cơ chế xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo thủ tục riêng.

Từ Điều 36 đến Điều 39 của Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án quy định thủ tục xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

7. Hòa giải viên

Khoản 2 Điều 10 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên gồm:

- Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thẩm tra viên trước khi nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác, hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

- Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại;

- Tự nguyện thực hiện nhiệm vụ hòa giải, đối thoại;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của Tòa án.

Luật cũng quy định rõ: Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan... trong Quân đội, Công an cũng không được bổ nhiệm làm Hòa giải viên.

8. Trách nhiệm của TAND trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án

TANDTC có trách nhiệm: Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại; quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và việc sử dụng thẻ Hòa giải viên; Phối hợp với Chính phủ trong việc trình Quốc hội quyết định kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại; Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Báo cáo Quốc hội về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác hằng năm; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

TAND cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây: Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này; Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên; Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng, xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên;

Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên thuộc TAND cấp tỉnh; Bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định của Chánh án TAND cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Chánh án TANDTC; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

TAND cấp huyện có trách nhiệm sau đây: Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Luật này; Đề nghị TAND cấp tỉnh bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Hòa giải viên; Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; Báo cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của Chánh án TANDTC; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này....

Trên đây là những điểm đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021.

Theo
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm mới cần lưu ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO