Quốc tế

Nắng nóng kỷ lục: Nhiều nước phát cảnh báo sức khỏe

Theo baochinhphu.vn 08/05/2024 - 10:09

Nắng nóng kỷ lục trên thế giới khiến nhiều quốc gia đẩy mạnh triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó có việc phát cảnh báo về sức khỏe, đóng cửa các trường học.

Nắng nóng kỷ lục: Nhiều nước phát cảnh báo sức khỏe- Ảnh 1.
Cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: NurPhoto

Nhiều nước đang hứng chịu nhiệt độ cao từ 37 đến hơn 40 độ C. Chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, điều chỉnh giờ học thể chất để tránh học sinh tiếp xúc nắng nóng… Tình hình nắng nóng, nhiệt độ tăng cao được dự báo kéo dài trong tuần này.

Cho học sinh nghỉ học

Ngày 28/4, Chính phủ Philippines thông báo sẽ dừng các lớp học trực tiếp tại tất cả các trường học công lập trên toàn quốc vào ngày 29 và 30/4, sau khi hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục tại thủ đô Manila, theo Hãng tin Bloomberg.

Trước đó, Hãng tin Reuters đưa tin hơn 7.000 trường công lập tại Philippines đã chuyển sang hình thức học trực tuyến trong tuần qua, do nắng nóng bất thường tại nhiều khu vực.

Nhiều trường học ở Philippines không có máy điều hòa, khiến học sinh phải chịu cái nóng oi bức trong những lớp học đông đúc, kém thông thoáng.

Ngoài ra, hơn 75% giáo viên tại Philippines cho rằng nền nhiệt hiện tại ở mức "không thể chịu đựng" và đã có 87% học sinh từng mắc phải các triệu chứng liên quan đến nhiệt trong những ngày qua.

Lào cũng ban hành các biện pháp hỗ trợ người dân nhằm ứng phó với nắng nóng trong bối cảnh nền nhiệt cao kỷ lục liên tục duy trì trong những ngày qua.

Theo báo Laotian Times, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết vì lo ngại những rủi ro về sức khỏe nếu trẻ em phải chịu đựng nhiệt độ cao như hiện nay.

Đặc biệt, hệ thống cơ sở vật chất làm mát cần phải được bố trí đầy đủ, sắp xếp các hoạt động ngoài giờ hợp lý, đồng thời tổ chức các buổi học bù trong trường hợp phải đóng cửa trường học để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Trong trường hợp lớp học không có quạt và điều hòa, giáo viên nên cân nhắc cho học sinh tạm nghỉ học.

Bộ Giáo dục Bangladesh tuyên bố các trường trung học và cao đẳng sẽ vẫn đóng cửa trong ngày 29/4 ở các quận Dhaka, Rajshahi, Khulna, Chuadanga và Jashore. Tuy nhiên, các trường tiểu học sẽ vẫn mở trên toàn quốc.

Tại Singapore, cơ quan khí tượng cho hay nhiệt độ tại nước này vào năm 2024 có thể tăng cao hơn năm ngoái. Đây là năm có nhiệt độ cao thứ 4 kể từ khi thông số này bắt đầu được ghi nhận vào năm 1929.

Kể từ tháng trước, một số trường học đã nới lỏng các quy định về đồng phục, cho phép học sinh mặc trang phục thể dục thoải mái hơn trong bối cảnh nắng nóng dai dẳng.

Tại Thái Lan, nhiệt độ được dự báo sẽ vượt quá 40 độ C ở Bangkok cùng các khu vực miền trung và miền bắc đất nước. Cơ quan khí tượng quốc gia khuyến cáo người dân tránh ở ngoài trời trong thời gian dài. Tháng qua, 30 người đã chết vì đột quỵ do say nắng, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Thái Lan.

Cơ quan khí tượng Malaysia hôm 28/4 đưa ra cảnh báo thời tiết nắng nóng đối với 16 khu vực ghi nhận nhiệt độ từ 35 đến 40 độ C trong ba ngày liên tiếp.

Bộ Y tế Malaysia cho biết tổng cộng 45 trường hợp mắc bệnh liên quan đến nắng nóng đã được ghi nhận ở nước này tính đến ngày 13/4, trong đó có hai ca tử vong do say nắng. Tuy nhiên, không rõ thời điểm nhà chức trách bắt đầu kiểm đếm.

Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao ở Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, đang khiến dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh, với số ca mắc tăng hơn gấp đôi lên 35.000 ca so với 15.000 ca một năm trước đó.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho hay hiện tượng El Nino đã kéo dài mùa khô và nhiệt độ nóng hơn đẩy nhanh vòng đời của muỗi.

Ít nhất hai người đã thiệt mạng ở bang Kerala - miền Nam Ấn Độ - do nghi ngờ bị đột quỵ vì nắng nóng, truyền thông nước này đưa tin hôm 29/4. Tờ The Hindu đưa tin một cụ bà 90 tuổi và một người đàn ông 53 tuổi đã tử vong ở bang Kerala hôm 29/4 khi nhiệt độ tăng vọt lên 41,9 độ C - cao hơn gần 5,5 độ C so với bình thường.

Cơ quan Thời tiết Ấn Độ dự đoán sẽ có nhiều ngày nắng nóng hơn bình thường trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.

Nắng nóng tác động lớn đến trẻ em, người già

Thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất đến người già và trẻ nhỏ. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo hơn 243 triệu trẻ em trên khắp khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương có nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng và thậm chí là tử vong trong những ngày hè năm nay.

Theo các chuyên gia của UNICEF giải thích, vì trẻ em có ít khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt hơn so với người lớn nên trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ như các bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn và các bệnh liên quan đến tim mạch.

"Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn trước tác động của biến đổi khí hậu và nhiệt độ quá cao là mối đe dọa tiềm tàng gây tử vong ở trẻ nhỏ", bà Debora Comini, giám đốc văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết.

Sẽ thêm nhiều đợt nắng nóng nghiêm trọng trong tương lai

Trả lời phỏng vấn AFP, nhà khí tượng học Muhammad Abul Kalam Mallik ở Bangladesh cho hay quốc gia này chưa từng chứng kiến đợt nắng nóng dữ dội như vậy kể từ lúc ghi nhận số liệu nhiệt độ vào năm 1948. Ông Mallik nói nhiệt độ nóng như thiêu đốt ảnh hưởng đến khoảng 3/4 diện tích Bangladesh.

"Biến đổi khí hậu và các nguyên nhân do con người gây ra bao gồm: đô thị hóa ồ ạt, phá rừng, thu hẹp nguồn nước và tăng cường sử dụng máy điều hòa không khí… là lý do khiến nhiệt độ ngày càng tăng. Chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều đợt nắng nóng nghiêm trọng như thế này trong tương lai", ông Mallik nói.

Các nhà nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu khí hậu của Thụy Sĩ IQ Air cho biết đợt nắng nóng đầu hè 2024 là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino.

"Hiện tượng này dẫn đến nhiệt độ tăng cao chưa từng có trên toàn khu vực", các nhà nghiên cứu của nhóm IU Air cho biết trong một tuyên bố được đăng tải hôm 5/4. "Hiện chúng tôi chưa nhìn thấy được ngày kết thúc chính xác của chuỗi ngày nắng nóng, bởi việc nhiệt độ giảm xuống còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết và các nỗ lực giảm nắng nóng của chính phủ", các nhà nghiên cứu nói thêm.

Giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, cho biết mức nhiệt mà toàn cầu ghi nhận trong 12 tháng qua, cả trên đất liền và trên đại dương, đã khiến giới khoa học phải kinh ngạc.

"Chúng tôi luôn biết rằng thế giới sẽ chuyển biến theo hướng như thế này với lượng khí nhà kính ngày càng tăng, nhưng chúng ta đã vượt kỷ lục về nắng nóng sớm hơn dự kiến", ông Horton nói.

Châu Âu đang nóng lên nhanh nhất

Một báo cáo hôm 22/4 cho biết châu Âu là lục địa có tốc độ nóng lên nhanh nhất, tăng gần gấp đôi mức tăng trung bình toàn cầu.

Báo cáo này được đưa ra bởi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) - cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu.

Theo Hãng tin AP, sự nóng lên bất thường của châu Âu làm dấy lên những lo ngại về hậu quả đối với sức khỏe con người, hiểm họa băng tan và các rủi ro có thể gây ra cho hoạt động kinh tế của toàn châu lục.

Tháng 3 năm nay cũng đánh dấu tháng thứ 10 liên tiếp C3S ghi nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục hằng tháng tại châu Âu.

Theo báo cáo trên, mức trung bình 5 năm gần đây ghi nhận nhiệt độ châu Âu cao hơn 2,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, hơn 1,3 độ C so với mức trung bình trên toàn cầu và gần đạt đến mức 1,5 độ C - mức giới hạn được đặt ra trong Thỏa thuận Paris 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng kỷ lục: Nhiều nước phát cảnh báo sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO