Năm 2024 được cho là thời điểm khởi đầu của những mục tiêu hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam dựa trên các yếu tố hỗ trợ được duy trì như lãi suất thấp, các chính sách tập trung vào tăng trưởng của Chính phủ.
Năm 2023 đầy biến động
Do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 chủ đạo là đi ngang do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Đây cũng là thời điểm chính phủ đề xuất, thảo luận và ban hành hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng như hỗ trợ nền kinh tế quay lại quỹ đạo tăng trưởng.
Sang quý 3/2023, nhờ các chính sách hỗ trợ dần thẩm thấu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng nâng lãi suất, thị trường có sự bứt phá khá tốt, nhưng sau đó lại bị điều chỉnh trong giai đoạn từ ngày 07/9 đến 31/10.
Hai tháng cuối cùng của năm 2023, thị trường ghi nhận sự hồi phục và cân bằng trở lại sau giai đoạn quá bán trên nền định giá được chiết khấu hấp dẫn.
Tính đến ngày 29/12/2023, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 12,2% so với cuối năm 2022 và hồi phục đến 23,9% từ đáy trung hạn vào giữa tháng 11/2022 dù vẫn thấp hơn 26,1% so với đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2022. Vốn hóa toàn thị trường đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2022. Tỷ trọng vốn hóa/GDP theo đó cũng tăng lên 58,4% từ mức 55,4%.
Môi trường thị trường nhiều thuận lợi
Mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có báo cáo chiến lược đầu tư cho rằng năm 2024, TTCK Việt Nam sẽ có những tín hiệu tích cực hơn khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã kết thúc khi các số liệu lạm phát và việc làm diễn biến khá thuận lợi, mở ra triển vọng cắt giảm lãi suất trong 2024.
Với kịch bản Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ giảm áp lực. Kéo theo đó, các rủi ro về lãi suất và tỷ giá của Việt Nam, có thể hiện hữu ở một số thời điểm nhất định, nhưng không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Không gian để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2024 là không nhiều. Thay vào đó, một môi trường chính sách ổn định theo hướng tích cực, giúp lãi suất trong nền kinh tế duy trì ở vùng thấp. Yếu tố này sẽ làm tăng sự hấp dẫn của các lớp tài sản đầu tư, bao gồm thị trường cổ phiếu.
Với kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2024, đồng nghĩa với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp một cách ổn định, VDSC kỳ vọng thanh khoản trung bình mỗi phiên dao động trong khoảng 12.000 - 25.000 tỷ đồng/phiên.
VDSC cũng nhận định nguồn vốn tín dụng bất động sản sẽ được khơi thông trong năm nay trên cơ sở các động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản. Nhờ đó, thị trường bất động sản khó diễn biến tiêu cực hơn, mặc dù chưa thể sớm hồi phục ở các phân khúc mang tính đầu cơ cao.
Trong khi đó, Quốc hội chuẩn bị họp để thông qua Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng cũng mang lại kỳ vọng cho nhóm bất động sản, ngân hàng - đây là hai nhóm vốn hóa lớn dẫn dắt VN-Index. Đặc biệt, ngày 29/12/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 1726/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Hành lang pháp lý này kỳ vọng TTCK ở Việt Nam sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả hơn đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Kịch bản thị trường chứng khoán năm 2024
Từ những nhận định trên, VDSC kỳ vọng vùng dao động hợp lý của P/E (số liệu được tính toán dựa trên số liệu của 4 quý liên tiếp) nằm trong khoảng 12 – 15 lần, tương ứng với mức điểm của VN-Index là từ 1.080 - 1.380 điểm cho kịch bản cơ sở.
VDSC cho rằng, thị trường sẽ giao dịch trong trạng thái sideway với biên độ hẹp cho tới cuộc họp có quyết định hạ lãi suất đầu tiên của Fed (dự kiến tháng 3/2024). Sau đó, thông tin tiến độ KRX (hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK Việt Nam) nên được theo dõi sát sao vì thời điểm vận hành hệ thống nhiều khả năng mang lại một đợt tăng điểm tốt. Nếu khả quan, một tín hiệu về khả năng nâng hạng từ các kết quả đánh giá thị trường của MSCI và FTSE (tháng 6, tháng 9, tháng 11) sẽ giúp tiếp nối đà tăng điểm.
Nền kinh tế Việt Nam trong năm mới và dài hạn sẽ có sự tăng trưởng cao cùng định giá thị trường hấp dẫn. Những câu chuyện thoái vốn nhà nước, nâng hạng, các chính sách kích thích thu hút đầu tư và đầu tư ra nước ngoài sẽ là chất xúc tác cho nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VDSC chưa thấy có nhiều chuyển biến tích cực ở các điều kiện trên. Dù vậy, với kỳ vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ đảo chiều sang nới lỏng trong nửa cuối năm 2024 và định giá thị trường cổ phiếu ở thị trường phát triển không còn hấp dẫn, sẽ thúc đẩy sự phân bổ lại dòng tiền, một phần sang các thị trường mới nổi và cận biên, bao gồm Việt Nam.
Trong phần lớn thời gian của năm 2024, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là người tham gia chính của thị trường. Điều này có thể khiến thị trường biến động nhanh và mạnh, theo cả chiều tăng và chiều giảm. Trong khi nền tảng vĩ mô vẫn còn bấp bênh và thiếu sự dẫn dắt của dòng tiền tổ chức chuyên nghiệp, thị trường có thể sẽ hình thành nhiều con sóng ngắn, mà những nhịp điều chỉnh mạnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu.
Trên cơ sở này, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể tối ưu tốt hơn các cơ hội xuất hiện trong năm khi thị trường giao dịch thận trọng, chỉ giải ngân khi cổ phiếu ưa thích giảm về vùng mua phù hợp khẩu vị. Ngoài ra, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ hợp lý giữa cổ phiếu và tiền mặt, tránh việc sử dụng đòn bẩy quá mức. Điều này cần sự linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới, cũng như yêu cầu chấp nhận giảm bớt đòn bẩy tài chính, thiếu nợ.