Doanh nghiệp

Công ty Chứng khoán Vietcombank xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trần Việt Hưng 08/11/2023 07:29

Cán bộ là gốc của mọi công việc. Đó là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò đạo đức của cán bộ. Sự thành công hay thất bại của một tổ chức, đơn vị đều do cán bộ tốt hoặc kém. Tư tưởng đó luôn được quán triệt trong các hoạt động tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), không chỉ ở các công việc kinh doanh mà còn hiện diện trong các hoạt động đoàn thể, xã hội khác.

Đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được xem xét một cách toàn diện trên nhiều góc độ: đạo đức công dân, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Nội dung đạo đức được thể hiện từ môi trường gia đình, công sở đến xã hội, trong các nối quan hệ với mình, với người hay với công việc. Đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử quan trọng cả trong hiện tại lẫn tương lai, là nền tảng sức mạnh của người đảng viên. Theo Hồ Chủ tịch, một người đảng viên có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn sẽ không lùi bước, khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ tinh thần khiêm tốn, lo hoàn thành tốt nhiệm vụ, không quan liêu, không hủ hoá. Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục thấm nhuần, quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức và xây dựng chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là yêu cầu có tính thời sự, cấp thiết, nhằm góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh chứng khoán tại VCBS. “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không” (trích Hồ Chí Minh toàn tập).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng như nhà kiến trúc”, tức là phải có định hướng rõ ràng về tiêu chí, chuẩn mực. Chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên thực chất là các giá trị đạo đức cộng sản đã được cụ thể hóa vào thực tiễn Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn cứ vào hoàn cảnh thực tế mà nêu ra các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Phần nhiều, Người nói về tứ đức là “cần, kiệm, liêm, chính”. Cũng có lúc, Người xác định “đạo đức cách mạng phải có 5 điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm. Hoặc cũng có lần, Người nói đạo đức cách mạng gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Tựu trung lại, đạo đức cách mạng được thể hiện rõ trong các mối quan hệ lớn; đó là: Với Tổ quốc và nhân dân thì phải trung - hiếu, với tự mình thì phải cần, kiệm, liêm, chính; với công việc thì phải chí công vô tư; với con người thì phải yêu thương; với nhân loại thì phải có tinh thần quốc tế trong sáng.

Trải qua thời gian, công cuộc đổi mới tại Việt Nam đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển của đất nước. Yếu tố vật chất – hệ quả của nền kinh tế thị trường sơ khai – ngày càng lên ngồi, đồng thời kết hợp với sự kém tu dưỡng, rèn luyện đạo đức đã làm một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái về đạo đức, lối sống. Điều này khiến cụm từ “tình trạng suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” được nhắc đến nhiều lần trong các kỳ đại hội Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, sự suy thoái về đạo đức cần được ngăn chặn kịp thời, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, làm xói mòn hệ giá trị đạo đức mà dân tộc ta và Đảng ta đã dày công xây dựng. Đồng thời, việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức là vấn đề thời sự vì pháp luật dù có hoàn hảo đến đâu cũng chỉ xử lý được khi cái sai đã xuất hiện, đã gây ra tổn hại. Chỉ có chuẩn mực đạo đức khi thấm sâu thành lẽ sống, mới có tác dụng phòng ngừa, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tránh khỏi sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Pháp luật không trị hết được. Tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình”.

Yêu cầu đặt ra là các chuẩn mực đạo đức xác định phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát nhằm phù hợp với bối cảnh mới của đất nước. Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ thực tiễn đạo đức trong Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, bước đầu có thể xác định những nội dung cơ bản về các chuẩn mực đạo đức như sau:

Một là, trung thành, sáng tạo. Với bất kỳ ai, Tổ quốc cũng là duy nhất nên người cộng sản chân chính phải trung thành với Tổ quốc của mình. Hiện nay, hình thức chống phá của các thế lực thù địch rất đa dạng. Đó không chỉ là sự xâm phạm về lãnh thổ, mà còn là chiến lược, âm mưu “diễn biến hòa bình” dưới nhiều hình thức tinh vi, từng bước “xâm lăng” về kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Vì thế, khi xây dựng và thực hiện đường lối, người đảng viên phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, cẩn trọng lựa chọn phương án an toàn, hiệu quả và có lợi nhất cho đất nước. Bản thân mỗi người cán bộ, đảng viên phải có tinh thần dân tộc, giàu khát vọng cống hiến, đóng góp thiết thực vào chiến lược phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; bởi nếu đất nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” thì xuất hiện nguy cơ tụt hậu về kinh tế, và từ đó sẽ dẫn đến sự lệ thuộc về chính trị. Song song với sự kiên định, trung thành, người đảng viên thực sự phải luôn gắn liền với sự sáng tạo, không rơi vào bảo thủ, giáo điều. Đổi mới là một quá trình sáng tạo liên tục, sự vận động không ngừng và là quy luật của cuộc sống. Hiện nay, khi khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão, thực tiễn biến đổi rất nhanh thì tiến trình đổi mới của đất nước sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Do đó, chủ trương “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng cần được cụ thể hóa trong mọi hành động và công việc.

Hai là, trọng dân, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân”. “Vì nhân dân quên mình” là bản chất khoa học, nhân văn của Đảng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải biết vì dân; bởi vì, đó không chỉ là lý tưởng cao cả của Đảng, mà còn là sự báo đáp công ơn trời biển của nhân dân khi đã hết lòng che chở, đùm bọc, ủng hộ, giúp đỡ, tin tưởng vào Đảng trong gần một thế kỷ qua. Thực tế chứng minh, Đảng chỉ có một cách để được dân tin, dân phục, dân yêu là phải thực sự gần dân, trọng dân, thương dân và vì dân bằng những việc làm thiết thực. Khi nắm trong tay quyền lực, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải ý thức rõ rằng, quyền lực đó thực chất là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy thác để phục vụ nhân dân. Vì thế, khi giải quyết công việc, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn chu đáo, nhiệt tình, đặt mình vào vị trí của nhân dân, tuyệt đối không được hách dịch, gây phiền hà, sách nhiễu hay vô cảm, thờ ơ trước mong muốn, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Ba là, cầu tiến, trách nhiệm. Sự trưởng thành, tiến bộ của con người không đơn thuần thể hiện qua sự thăng tiến về chức vụ, mà thể hiện chính qua kết quả, hiệu quả ngày càng cao của công việc được phân công đảm nhiệm. Đứng trong hàng ngũ tiên phong của giai cấp và dân tộc, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người lao động giỏi, nhà lãnh đạo và quản lý giỏi. Công cuộc đổi mới mà Đảng ta đang lãnh đạo, một mặt, là một cuộc cách mạng toàn diện, nhưng cũng hết sức khó khăn vì chưa có tiền lệ, mô hình có sẵn, mà phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; mặt khác, trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, tri thức và “tuổi đời” của bằng cấp nhanh chóng bị lỗi thời, nếu con người không thường xuyên cập nhật, tự làm mới tri thức của mình. Khi dân trí không ngừng được nâng cao, thì yêu cầu đặt ra là người cán bộ, đảng viên phải lãnh đạo dân chúng bằng trí tuệ sáng suốt, tinh thần dân chủ, năng lực đối thoại văn hóa và khả năng thuyết phục quần chúng, chứ không được phép rơi vào độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí. Do đó, cầu tiến bộ, ham học hỏi phải là phẩm chất đạo đức rất căn bản của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chuẩn mực này đòi hỏi họ phải chống lại thói chây lười, ngại học tập, trong đó có căn bệnh “lười” học tập lý luận chính trị. Để không trở thành “lực cản” của sự phát triển, họ phải không ngừng học tập để nắm vững khoa học quản lý, nắm bắt kịp thời những thành tựu mới, những vấn đề mới trong lĩnh vực chuyên môn và tiếp thu những “hạt nhân” hợp lý trong các lý thuyết phát triển đương đại. Thước đo đạo đức và năng lực đảng viên chính là hiệu quả công việc và lòng tin của quần chúng.

Bốn là, tiết kiệm, liêm khiết. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người tham gia hoạt động chính trị; đặc biệt, cán bộ cấp chiến lược còn là những chính trị gia, đại diện cho uy tín, thanh danh của Đảng, của đất nước. Người cán bộ, đảng viên phải tiết kiệm; bởi vì, đó là điều kiện để giữ được sự thanh khiết. Khi thu nhập của đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế như hiện nay, nếu không tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân và gia đình, để nhu cầu tiện nghi, vật chất vượt quá khả năng của mình, thì chắc chắn cán bộ sẽ không giữ được sự liêm khiết. Do đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải biết quản trị bản thân, tránh đặc quyền, đặc lợi, tránh mọi sự xa hoa, lãng phí. Muốn giữ được sự liêm khiết, người cán bộ, đảng viên cần phải thường xuyên, tự giác thực hiện nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cách mạng. Với tư cách là người lãnh đạo, quản lý thì phải tiết kiệm trong quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tránh xa nạn tham nhũng dưới mọi hình thức.

Năm là, trung thực, dũng cảm. Bản chất của người cán bộ cách mạng là sự ngay thẳng, là đối lập với thói giả dối, đạo đức giả. Đây là chuẩn mực rất quan trọng của người cán bộ, đảng viên hiện nay; bởi vì, biểu hiện thiếu trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang diễn biến rất đa dạng. Đó là sự không trung thực trong kê khai tài sản, trong báo cáo thành tích, che đậy khuyết điểm, “tranh công, đổ tội”. Đó là căn bệnh “nói không đi đôi với làm”; đòi hỏi ở người khác rất nhiều, nhưng bản thân lại làm rất ít... Thực tế cho thấy, xây dựng lòng tin rất khó, nhưng đánh mất nó thì rất dễ. Sự thiếu trung thực của một bộ phận cán bộ, đảng viên làm tổn hại đến niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Việc lãnh đạo công cuộc đổi mới đòi hỏi ở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải từ bỏ những “lối mòn”, bảo thủ để có tư duy đổi mới, “vượt trước”. Tuy nhiên, sự “vượt trước”, cái mới thường bắt đầu từ mỗi cá nhân, thiểu số. Do đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có sự dũng cảm, bản lĩnh để dám bứt phá khỏi cái cũ kỹ, vươn tới cái mới, tiến bộ để mở đường cho quá trình phát triển.

Sáu là, tình nghĩa, đoàn kết. Tình nghĩa, nhân ái không chỉ là một giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, mà còn là sự thấu hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Phẩm chất nghĩa tình, nhân ái, ứng xử có văn hóa của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay thể hiện ở sự tôn trọng mỗi người với cá tính của họ, miễn là họ vẫn thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và không gây phương hại đến lợi ích chung. Đó là lối sống trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thủy chung với bạn bè, vị tha với khiếm khuyết của người xung quanh, xóa bỏ định kiến vô căn cứ với những người không giống mình, bởi sự đa dạng về tính cách, suy nghĩ là điều tất yếu của cuộc sống. Khi phê bình người khác, người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo, không chỉ cần “đúng”, mà còn phải “khéo” để không làm người được phê bình bị tổn thương; đồng thời, phải dành cho họ thời gian để nhận thức rõ đúng - sai và sửa chữa.

Bảy là, tiên phong, gương mẫu. Thực tế chứng minh, sự thành công của Đảng và lòng tin của nhân dân vào Đảng phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố: Khả năng tạo lập chủ trương, đường lối và mức độ tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với cán bộ: “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”. Đó không chỉ là yêu cầu, trách nhiệm, mà còn là chuẩn mực, phẩm chất không thể thiếu của mỗi người cán bộ, đảng viên.

Nhìn chung, những chuẩn mực đạo đức nêu trên của đội ngũ cán bộ, đảng viên là khắt khe hơn so với đạo đức xã hội và trách nhiệm thực hành chuẩn mực đạo đức của đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cũng cao hơn so với những đảng viên không giữ vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, chính sự đòi hỏi cao đó sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo trở thành những nhân cách văn hóa, biết lấy lý trí để kiểm soát ham muốn bản năng, lấy lương tri để “tự soi”, “tự sửa” nhằm vươn tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ và tỏ rõ vai trò tiên phong của người cộng sản. Ngày nay, việc tự giác thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao sức mạnh “nội sinh” của Đảng, giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, mãi mãi đồng hành cùng dân tộc và đưa dân tộc tiến bước cùng thời đại.

Không chỉ cần nhận thức tốt các chuẩn mức đạo đức, các đảng viên còn cần biết vận dụng vào thực tiễn công việc tại đơn vị. Với vương vị vừa là Bí thư chi bộ, vừa là Chủ tịch Công đoàn của Công ty, tôi nhận thức sâu sắc và rất tâm đắc với những giá trị, chuẩn mực đạo đức của cán bộ, của con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là thước đo trình độ văn minh, tiến bộ của một dân tốc, là kim chỉ nam giúp mỗi cá nhân ngày càng hoàn thiện bản thân, tiến bộ hơn và sẻ chia, nhân ái với cộng đồng, là sức mạnh để xây dựng tập thể và xã hội ngày càng tốt đẹp.

Triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 37-KH/ĐU, ngày 25/04/2023 của Đảng ủy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện Công văn số 1419-CV.ĐUK ngày 14/4/2023 của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương về hưởng ứng Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023, quán triệt chỉ đạo tại Công văn số 517-CV-ĐU ngày 16/5/2023 của Đảng uỷ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam v/v hưởng ứng Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023, tôi đã chỉ đạo Công đoàn VCBS phổ biến và hiện thực hoá thành hành động. Cụ thể, Công đoàn VCBS đã thông qua Tạp chí Da cam tổ chức 02 chương trình trong tháng 7 và tháng 9/2023 nhằm thể hiện đạo lý, truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” trong dịp kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Những hoạt động này cũng góp phần giáo dục cho đoàn viên Công đoàn VCBS hiểu rõ hơn về chiến tranh hóa học, về hoàn cảnh của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam, những người đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không may bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và con, cháu họ. Tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Công đoàn VCBS đã trao tặng một phần kinh phí xây nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam.

z4907894905545_935fa8c03298f0692d6a7d286ca3db62.jpg
Công đoàn VCBS đã trao tặng một phần kinh phí xây nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên

Tại Đăk Lăk, Đảng bộ VCBS đã tổ chức chương trình về nguồn và đến thăm Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh. Đây là nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của hơn 2.300 anh linh liệt sỹ đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường trong nước và liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, anh dũng hi sinh khi làm nghĩa vụ quốc tế cao cả tại chiến trường Campuchia. Trong không khí trang trọng của chương trình, Đảng bộ VCBS đã phối hợp cùng Công đoàn VCBS tổ chức trao tặng 20 phần quà cho các nạn nhân chất độc màu da cam của tỉnh Đắc Lăk, qua đó bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ đối với những khó khăn mà các nạn nhân và gia đình các nạn nhân chất độc da cam đang phải gánh chịu, đồng thời động viên các gia đình nạn nhân cố gắng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Mỗi điểm đến đều đã để lại những dấu ấn sâu đậm về sự hi sinh của lớp cha, anh đi trước. Các cán bộ VCBS đã được cảm nhận rõ hơn về giá trị của cuộc sống hòa bình, thêm tự hào về truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc - để mỗi Đảng viên VCBS càng quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cho đến ngày hôm nay, những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, của con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn khẳng định những giá trị vô cùng to lớn, giúp xây dựng các cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn, sống có tình người, nhân ái, văn minh, cùng đóng góp xây dựng đơn vị và tổ quốc giàu mạnh hơn cả về vật chất và tinh thần. Đó là giá trị có tính bền vững và trường tồn, luôn cần được phát huy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Chứng khoán Vietcombank xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO