Doanh nghiệp

Năm 2024, ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay

Nhi Trang 14/02/2024 - 15:02

Để bảo đảm cho doanh nghiệp ổn định, phát triển, năm 2024, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đưa vốn vào những lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng vốn.

Kỳ vọng cầu vốn sẽ tăng

Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng, trong quý IV/2023, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có cải thiện, nhưng chưa được như kỳ vọng. Trong đó nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền do tính thời vụ vào dịp cuối năm. Đánh giá tổng thể năm 2023, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “cải thiện” thấp hơn năm 2022, trong đó nhu cầu gửi tiền được nhận định tăng cao hơn nhu cầu thanh toán và vay vốn.

vay-von-cho-doanh-nghiep-2.jpg
Năm nay, các ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15%.

Quý I/2024, tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng “cải thiện” thấp hơn so với quý IV/2023, nhưng dự báo “cải thiện” mạnh hơn trong năm 2024, trong đó nhu cầu vay vốn được dự báo “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu tiền gửi và thanh toán, khác với diễn biến của năm 2023.

Trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; điều hành tín dụng kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp về tín dụng đã và đang thực hiện, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh các giải pháp của ngành ngân hàng, cũng rất cần sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành. Ví dụ, để đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng, UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại tra cứu, xem xét cho vay theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố).

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn, tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… Từ đó, tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…).

Phát huy hiệu quả chương trình cho vay bình ổn

Các ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng các gói tín dụng linh hoạt, phù hợp cho từng phân khúc nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, người dân.

vay-von-cho-doanh-nghiep-1.jpg
Năm 2024, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đưa vốn vào những lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng vốn

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) chia sẻ, ngay trong ngày cuối năm 2023, Ngân hàng đã nhận được công văn từ Ngân hàng Nhà nước về việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng năm 2024, với hạn mức tín dụng nhận được xoay quanh 15%.

“Đây là chính sách kịp thời cho các ngân hàng thương mại trong việc triển khai kế hoạch tăng trưởng cho vay từ đầu năm”, ông Tùng nhận xét.

Theo lãnh đạo OCB, tín dụng đã có sự cải thiện mạnh mẽ trong tháng 12/2023, một phần do tính chất mùa vụ, nhưng phần nào cũng cho thấy tình hình kinh tế tốt lên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Nền kinh tế trong năm 2024 được dự báo sẽ còn khó khăn, nhưng không thể khó hơn năm 2023, bởi những doanh nghiệp đã vượt qua được khó khăn của năm vừa qua sẽ trụ vững, tăng trưởng trong năm nay. Do đó, với room tín dụng được giao ngay đầu năm, các ngân hàng từng bước đẩy mạnh vốn ra thị trường.

Năm 2023 khép lại với con số tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng là 13,5%. Con số này, theo các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, là rất tích cực và là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và cả ngành ngân hàng trong năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 vào khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, mức tín dụng tăng thêm trong năm nay ước tính vào khoảng 2 triệu tỷ đồng.

Việc cơ quan quản lý giao ngay một lần chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng với định hướng tăng trưởng toàn ngành đạt 15% sẽ là điều kiện thuận lợi cho ngân hàng trong việc đẩy mạnh vốn ra thị trường phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh cũng như tiêu dùng.

Để tiếp tục đẩy nguồn vốn cho doanh nghiệp, các ngân hàng liên tiếp đưa ra nhiều gói cho vay hỗ trợ lãi suất. Chẳng hạn như Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) triển khai nguồn vốn mới tăng tốc sản xuất, kinh doanh 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp với lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng, từ 5,5%/năm kỳ hạn 4-12 tháng đến hết ngày 31-1-2024. Các ngân hàng khác như Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK)... cũng đưa ra nhiều gói cho vay với lãi suất hấp dẫn.

Việc tham gia cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại đã góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định giá bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024, ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO