Trong thời đại công nghệ số bùng nổ, YouTube không chỉ là một nền tảng giải trí mà còn trở thành một kênh truyền thông mạnh mẽ để lưu giữ và quảng bá văn hóa dân tộc.
Tại Việt Nam, nơi có 54 dân tộc anh em với những bản sắc riêng biệt, việc bảo tồn và lan tỏa giá trị truyền thống qua các video trên YouTube đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc văn hóa trước sự xâm nhập của các xu hướng hiện đại.
YouTube cung cấp một không gian mở, nơi các cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng đăng tải những nội dung liên quan đến văn hóa dân tộc, từ những làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống, trang phục đặc trưng đến các nghi lễ tâm linh và phong tục tập quán.
Với khả năng tiếp cận toàn cầu, YouTube giúp các giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam được bảo tồn mà còn có cơ hội được giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Không ít người trẻ ngày nay tìm về cội nguồn qua những video trên YouTube. Nếu như trước đây, việc tiếp cận các di sản văn hóa thường gói gọn trong các hội diễn, bảo tàng hoặc sách vở, thì giờ đây, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, họ có thể dễ dàng khám phá những nét đẹp văn hóa ngay tại nhà.
Các video hướng dẫn cách làm trang phục dân tộc, cách chế biến món ăn truyền thống hay ghi lại những lễ hội đặc sắc đã giúp thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn bản sắc quê hương.
Sự phát triển của YouTube đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân, nhóm sáng tạo nội dung khai thác chủ đề văn hóa dân tộc một cách phong phú. Những kênh YouTube như "Vietnamese Culture", "S Việt Nam", hay các kênh của những nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ trẻ đều đang nỗ lực bảo tồn và lan tỏa những giá trị truyền thống thông qua các video chất lượng.
Đặc biệt, ở các vùng cao, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, những người trẻ biết sử dụng công nghệ đã chủ động làm video về văn hóa quê hương mình. Chẳng hạn, nhiều bạn trẻ người Tày, Nùng, Dao, Mông ở Thái Nguyên đã tự quay những thước phim về lễ cấp sắc của người Dao, hội Lồng Tồng của người Tày hay nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Nùng.
Những nội dung này không chỉ giúp cộng đồng mạng hiểu hơn về phong tục, tập quán của các dân tộc mà còn tạo động lực cho người dân địa phương tiếp tục gìn giữ truyền thống của mình.
Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ và nhà nghiên cứu văn hóa cũng tham gia sáng tạo nội dung trên YouTube. Như quay phim, ghi lại các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống, mà còn phân tích, chia sẻ kiến thức chuyên sâu về ý nghĩa của từng nghi thức, điệu múa, bài hát. Nhờ vậy, người xem được thưởng thức và hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị của các di sản văn hóa.
Mặc dù YouTube là một kênh hiệu quả để quảng bá văn hóa dân tộc, nhưng việc bảo tồn văn hóa trên nền tảng này vẫn gặp nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự mai một của các giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại. Khi cuộc sống bận rộn, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ngày càng ít tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống, dẫn đến việc thiếu tư liệu để sản xuất nội dung.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng có đủ điều kiện và kỹ năng để làm video chất lượng. Nhiều nghệ nhân dân gian am hiểu văn hóa truyền thống nhưng lại gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của các bạn trẻ có kỹ năng quay dựng video, biên tập nội dung để giúp những nghệ nhân này chia sẻ tri thức quý báu của mình với cộng đồng.
Để phát triển mạnh mẽ hơn, cần có những dự án hỗ trợ việc số hóa văn hóa dân tộc trên YouTube. Các cơ quan văn hóa địa phương có thể phối hợp với các trường đại học, trung tâm sáng tạo nội dung để đào tạo người dân kỹ năng làm video, giúp họ tự ghi lại các phong tục, tập quán của mình. Đồng thời, các kênh YouTube chuyên về văn hóa cần có sự đầu tư chuyên sâu hơn để nội dung không chỉ phong phú mà còn mang tính giáo dục cao.
Ông Hoàng Văn Nam, sinh ra và lớn lên ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa của người Tày. Từ nhỏ, ông đã quen với những câu hát Then, những điệu múa Chèo Tày trong các dịp lễ hội.
Thế nhưng, theo thời gian, những nét văn hóa ấy dần thưa vắng trong đời sống hàng ngày. Giờ đây, nhờ YouTube, ông có thể tìm lại những ký ức tuổi thơ qua những video về hát Then, đàn Tính hay lễ hội Lồng Tồng.
Ông Nam cũng thấy nhiều bạn trẻ trong huyện bắt đầu quay video về các phong tục của người Tày và đăng lên YouTube. Điều này thực sự ý nghĩa, và giúp bà con trong vùng giữ gìn bản sắc mà những người ở xa có cơ hội hiểu hơn về văn hóa.
Ông mong rằng, trong tương lai, sẽ có nhiều hơn nữa những kênh YouTube chuyên về văn hóa dân tộc, để lưu giữ và giới thiệu đến vẻ đẹp của quê hương.
YouTube đã và đang trở thành một công cụ quan trọng trong việc lưu giữ và quảng bá văn hóa dân tộc. Thông qua các video về phong tục, tập quán, nghệ thuật truyền thống, nền tảng này giúp bảo tồn giá trị quý báu và tạo cầu nối để giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Tuy còn nhiều thách thức, nhưng với sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ, việc bảo tồn văn hóa trên YouTube chắc chắn sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.