Theo đó, sự tăng trưởng trong 9 tháng qua đã cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu khởi sắc. Nhiều ngành nghề có tiềm năng phát triển, môi trường kinh doanh cải thiện, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi.
Kinh tế Việt Nam khởi sắc, ghi nhận các dấu hiệu tích cực trên nhiều mặt từ xuất khẩu tới dịch vụ, du lịch. Đây chính là điều mà nhiều cơ quan báo chí, chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhận định trên trong tuần qua.
Kinh tế Việt Nam được thúc đẩy nhờ xuất khẩu tăng trở lại - nhận định từ trang Bloomberg. Trang báo trích dẫn các số liệu cho biết, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 9, chấm dứt 6 tháng giảm trước đó.
Trang Nikkei Asia cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khởi sắc một phần nhờ sự phục hồi của ngành du lịch. Ngành dịch vụ đã giúp thúc đẩy sản lượng kinh tế trong 3 tháng vừa qua và dự kiến sẽ đóng góp 40% GDP của Việt Nam.
"Việt Nam khẳng định lại vị trí của mình, đặc biệt trong việc có sức hút hơn đối với các mặt hàng mà Việt Nam tự sản xuất, tăng chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu từ các nước trên thế giới, từ đó tăng giá trị về xuất khẩu. Một yếu tố rất quan trọng đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tư công có vai trò rất quan trọng và có tác động sâu rộng đối với nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế", ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, đánh giá.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 5,8%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023, lạm phát ở dưới mức mục tiêu 4,5%. IMF khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cơ sở hạ tầng.
"Việt Nam có lợi thế lớn so với nhiều nước khác, điều mà tôi đã thấy trong quá trình làm việc, đó là có nhiều không gian tài khóa, có mức nợ thấp. Việt Nam đã rất thận trọng trong những năm qua, trong khi nhiều nước trên thế giới có mức nợ cao. Chính sách tài khóa là một công cụ rất hữu hiệu mà Việt Nam có thể sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi nhiều nước khác không có được", ông Paulo Medas, Trưởng nhóm phụ trách Việt Nam, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
Theo Báo cáo về Tự do kinh tế thế giới năm 2023 của Viện Fraser, Canada, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam tăng 4 bậc so với năm 2022. Chỉ số tự do kinh tế đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các quốc gia trên thế giới. Chỉ số này đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế, trong đó có tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do lao động.
Có thể thấy, trong những ngày qua nhiều tờ báo nổi tiếng cũng như chuyên gia kinh tế quốc tế đã có những nhận định rất tích cực về nền kinh tế Việt Nam. Bức tranh kinh tế trong nước đang khởi sắc, mang đến nhiều cơ hội đầu tư và phát triển mới. Hiện Việt Nam vẫn đang là điểm đến được nhiều nhà đầu tư quốc tế chú ý và lựa chọn.