Huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Ngày càng nhiều loại hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng được địa phương quan tâm xây dựng tạo thành sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách.
Những năm gần đây, nhiều du khách chọn huyện Sơn Động là điểm đến du lịch bởi có phong tục độc đáo của đồng bào các dân tộc, cảnh sắc nguyên sơ đặc trưng của vùng núi cao, khí hậu trong lành, mát mẻ. Từ sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp, trên địa bàn huyện có nhiều khu du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, 6 hợp tác xã (HTX) du lịch cộng đồng tại xã Vân Sơn, An Lạc, thị trấn Tây Yên Tử.
Thống kê sơ bộ, từ năm 2021 đến tháng 1/2025, huyện Sơn Động đón gần 3 triệu lượt khách du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đến trải nghiệm trên địa bàn tăng mạnh, điều đó cho thấy xu hướng du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các vùng nông thôn tập trung đồng bào DTTS đang được nhiều du khách lựa chọn.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Động đã ban hành Nghị quyết số 36 - NQ/HU ngày 17/5/2021 về phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm và du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện Sơn Động đã ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và các chương trình mục tiêu quốc gia tu bổ di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà sàn truyền thống.
Cùng với đó là khôi phục, bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống, nổi bật là lễ hội xuống đồng của người Tày; lễ cầu mùa của dân tộc Dao; hát Sloong hao của dân tộc Nùng; đua bè mảng ở Long Sơn; bơi chải An Châu…; truyền dạy múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chí; hát then, đàn tính của dân tộc Tày; dân ca Pá Dung của người Dao. Các xã xây dựng kế hoạch, nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phù hợp với địa bàn; tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tiếp đón, phục vụ du khách.
Dù đạt được một số kết quả về phát triển du lịch. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Sơn Động đa số các điểm du lịch cộng đồng thiếu cơ sở vật chất, dịch vụ đi kèm. Lượng khách đến lưu trú qua đêm chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, gian trưng bày sản phẩm chưa đa dạng hàng hóa để phục vụ du khách. Trên địa bàn huyện Sơn Động chưa có nhiều doanh nghiệp tổ chức liên doanh, liên kết đầu tư, khai thác vào các khu, điểm du lịch trọng điểm; Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực tiềm năng để khai thác du lịch.
Huyện Sơn Động xác định phát triển du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng là một hướng phát triển quan trọng của giai đoạn 2025 – 2030. Trong đó, tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch của địa phương như: xây dựng phim, phóng sự giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa bàn…
Xây dựng một số tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với một số cộng đồng dân cư có nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc sắc. Tiếp tục phát triển du lịch gắn với thăm quan di tích lịch sử, văn hóa kết hợp du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, kết nối khu tâm linh sinh thái Tây Yên Tử, Đồng Cao, Khe Rỗ... Tiếp tục khảo sát, bổ sung, hoàn chỉnh một số huyền tích lịch sử, văn hóa, tạo sức hấp dẫn cho các điểm du lịch. Cùng đó, quan tâm đào tạo nhân lực làm công tác du lịch.
Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ du lịch, văn hóa phát triển. Đẩy mạnh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển đô thị theo mô hình đô thị hoàn chỉnh để phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội với nhà ở. Hình thành các khu đô thị tại 02 thị trấn An Châu và Tây Yên Tử, khu dân cư gần Cụm Công nghiệp Thanh Sơn và các điểm công nghiệp với đầy đủ tiện nghi thương mại dịch vụ, khách sạn, căn hộ khách sạn nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, vui chơi giải trí và phát triển du lịch của địa phương.
Đồng thời, huyện Sơn Động cũng tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh Bắc Giang cho phát triển kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có tính chất liên vùng, các trục giao thông kết nối đối ngoại với các huyện và tỉnh lân cận như tuyến ĐT 291 kéo dài kết nối với tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường ĐT.293D kết nối với tỉnh Quảng Ninh. Nâng cấp, mở rộng tuyến QL31 kết nối với tỉnh Lạng Sơn...; Ưu tiên nguồn vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, tạo động lực cho phát triển.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án thương mại dịch vụ, du lịch. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai thực hiện các dự án khu đô thị kết hợp thương mại dịch vụ, các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf... có quy mô lớn tạo động lực cho phát triển KT-XH của huyện trong thời gian tới.