Ngày 14/12, TANDTC phối hợp cùng Tòa án tối cao Hàn Quốc và KOICA tổ chức Hội thảo quốc tế “Lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên”. Hội thảo do GS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC và Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến chủ trì .
Cần có cơ chế xử lý mang tính nhân văn, đặc thù
Tham dự Hội thảo còn có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: các quốc gia trên thế giới đều xác định người chưa thành niên (NCTN) là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi tham gia vào các quan hệ xã hội, đặc biệt là trong hoạt động tư pháp.
Hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực. Do đó, để bảo vệ NCTN cần có cơ chế xử lý mang tính nhân văn, đặc thù, phù hợp với các em, nhất là người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy, TANDTC đã đề xuất Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024 ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Nghị quyết của Quốc hội giao TANDTC chủ trì xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024. Triển khai Nghị quyết này, TANDTC đã tích cực tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật như: thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, nhóm xây dựng dự án Luật; tổ chức các hội thảo, cuộc họp với chuyên gia của UNICEF, tổ chức quốc tế, bộ ngành có liên quan...
Để dự án Luật được trình ra Quốc hội đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được các mục tiêu và yêu cầu của thực tiễn tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm tốt đẹp của quốc tế, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các thành viên Hội đồng Thẩm phán, các đại biểu tham dự phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các chính sách mới về áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; thủ tục tố tụng thân thiện; hệ thống hình phạt; căn cứ tạm giữ, tạm giam đối với người chưa thành niên.
“Những ý kiến phát biểu của các đại biểu là nguồn tư liệu, kiến thức quý báu để đơn vị chuyên trách tổng hợp, bổ sung và trình Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC cân nhắc, quyết định các phương án thể hiện trong dự án Luật”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.
Dự thảo Luật có ý nghĩa rất lớn
Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều thống nhất cao sự cần thiết có một đạo luật riêng về Luật tư pháp NCTN và đánh giá cao đối với các nội dung trong dự thảo Luật tư pháp NCTN do TANDTC chủ trì xây dựng. Nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật có ý nghĩa rất lớn, quy định chi tiết các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với NCTN đã chấp hành xong biện pháp xử lý chuyển hướng, hoặc hình phạt tù.
Bên cạnh đó, một số đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm tham khảo từ một số quốc gia, đưa ra ý kiến thẳng thắn, sâu sắc góp ý đối với dự thảo Luật để chỉnh lý nhằm tạo nền tảng pháp lý cho việc đề xuất trong thời gian tới.
Trao đổi tại Hội thảo, Thẩm phán Park Hyun Soo, Chánh án chi nhánh Haenam, Hàn Quốc cho biết, trên cơ sở những nghiên cứu chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên, dự thảo Luật tư pháp NCTN do TANDTC soạn thảo không chỉ quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN mà còn đưa ra các quy định về tố tụng hình sự đối với NCTN và các thủ tục liên quan từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn sau khi kết thúc thủ tục tố tụng hình sự như thi hành án và tái hòa nhập cộng động. Đồng thời dự thảo Luật cũng quy định chi tiết về đối tượng NCTN là bị hại hoặc người làm chứng.
Thẩm phán Park Hyun Soo chia sẻ, hiện nay, Luật NCTN của Hàn Quốc cũng chưa quy định được một cách tổng hợp và đầy đủ như dự thảo Luật tư pháp NCTN Việt Nam. Theo ông, đây là một chế định rất hữu ích mà Hàn Quốc có thể tham khảo để đưa vào Luật người chưa thành niên của Hàn Quốc.
GS.TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên rất công phu, đảm bảo tính thân thiện, nhân văn và tính giáo dục cao. Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là phù hợp, bao quát được cơ bản về tư pháp vị thành niên phạm tội. Tuy nhiên, đây là dự thảo luật mới nên cần chỉnh hóa làm sâu sắc hơn nữa để phù hợp với chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi và khả năng nhận thức, tự sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội.
Góp ý về thủ tục chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, PGS. TS. Đỗ Thị Phượng (Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội) đánh giá việc xây dựng dự thảo luật đã đặc biệt chú trọng, khẳng định sự cần thiết của các quy định về xử lý chuyển hướng đối với NCTN phạm tội và giá trị trong thực tiễn thi hành, có thể hỗ trợ đối tượng yếu thế là người chưa thành niên trong quá trình tiến hành thủ tục tư pháp đối với đối tượng này.
Theo PGS.TS Phượng, việc ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng là một sự tiến bộ trong tư pháp hình sự không phải chỉ đối với NCTN phạm tội mà còn đối với cả bị hại. Điều quan trọng nhất của xử lý chuyển hướng đó là khôi phục lại cho bị cáo và bị hại giá trị ban đầu của họ, được phát triển lành mạnh, bù đắp, chữa lành các tổn thương. Việc NCTN được xử lý chuyển hướng và đưa ra ngoài quy trình tố tụng hình sự sớm có thể sẽ giảm đáng kể tình trạng người chưa thành niên tái vi phạm pháp luật trong tương lai.
Tại Hội thảo, một số đại biểu cũng kiến nghị dự thảo cần được rà soát kỹ lưỡng, chuẩn xác về ngôn ngữ pháp lý để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác đảm bảo tính thống nhất.
Kết luận Hội thảo, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến góp ý, thảo luận đều rất xác đáng, cụ thể vào các nội dung dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Nhấn mạnh việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc và giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tư pháp chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị đơn vị thường trực soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý của các đại biểu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào thời gian tới.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 156 Điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương.
Phần thứ nhất. Những quy định chung
Chương I: Phạm vi điều chỉnh, nhiệm vụ của Luật Tư pháp người chưa thành niên (gồm 4 Điều, từ Điều 1 đến Điều 4)
Chương II: Những nguyên tắc cơ bản (gồm 14 Điều, từ Điều 5 đến Điều 18).
Chương III: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên (gồm 07 Điều, từ Điều 19 đến Điều 25).
Phần thứ hai. Xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội
Chương IV: Các biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 11 Điều, từ Điều 26 đến Điều 36).
Chương V: Thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 23 Điều, từ Điều 37 đến Điều 59).
Chương VI: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (gồm 11 Điều, từ Điều 60 đến Điều 70).
Phần thứ ba. Biện pháp tư pháp, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên
Chương VII: Biện pháp tư pháp và hình phạt (gồm 03 mục 13 Điều, từ Điều 71 đến Điều 83).
Chương VIII: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị buộc tội (gồm 04 mục 41 Điều, từ Điều 84 đến Điều 124).
Chương IX: Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng (gồm 16 Điều, từ Điều 124 đến Điều 139)
Phần thứ tư. Tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại
Chương X: Tái hòa nhập cộng đồng (gồm 2 mục 11 Điều, từ Điều 140 đến Điều 150)
Chương XI: Hỗ trợ bị hại (gồm 03 Điều, từ Điều 151 đến Điều 153)
Phần thứ năm. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều từ Điều 154 đến Điều 156).