Hải Dương: Công nghiệp sẽ kéo làn sóng bất động sản công nghiệp phát triển

Dương Thảo| 09/11/2022 15:34

BVCL - Hải Dương có định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại trong tương lai. Để phát triển thành một tỉnh công nghiệp thì đòi hỏi phải tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp trong một chuỗi sản xuất. Vì thế, bất động sản, đặc biệt là bất động sản công nghiệp luôn có tiềm năng phát triển nhờ lực này.

Công nghiệp là tiền đề cho bất động sản công nghiệp có một tương lai tươi sáng

Theo số liệu của Cục thống kê Hải Dương, trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,8%, đứng thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và chiếm vị trí thứ 6 của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp vẫn là điểm sáng khi có tốc độ tăng trưởng lên đến 17,9%, tiếp đến là xây dựng với 16,5%, dịch vụ là 8,1%, còn nông lâm nghiệm và thủy sản là 3,1%. Từ số liệu trên cho thấy, công nghiệp và xây dựng đã đóng góp lớn nhất cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh với 34,4%.

1(5).jpg
Một góc dự án Ecopark tại Hải Dương

Số liệu mới nhất cũng cho thấy xu hướng đó, cụ thể, trong báo cáo kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm 2022 của UBND tỉnh Hải Dương cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng, là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng công nghiệp của toàn tỉnh. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính bằng 108,2% so với cùng kỳ năm trước (bằng 100,7% so với tháng trước); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% (tăng 0,4% so với tháng trước); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng... giảm 2,5% (tăng 4% so với tháng trước). Tính chung 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 112,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 13,7%.

Triển vọng nào cho bất động sản công nghiệp?

Một hội thảo về bất động sản công nghiệp tổ chức tại TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nhiều chuyên gia đã cùng thống nhất rằng, một địa phương muốn có nguồn thu tốt, muốn trở thành trung tâm phát triển kinh tế thì phải xem bất động sản công nghiệp như một chìa khoá then chốt của tỉnh đó. Tuy nhiên, đó là về mặt lý thuyết còn thực tế không phải tỉnh nào cũng có thể phát triển bất động sản công nghiệp. Một địa phương muốn phát triển bất động sản công nghiệp phải có những yếu tố cần thiết như cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối - giao thương dễ dàng. Điều đó giải thích vì sao, ở trong trục kinh tế nhưng TPHCM, Đồng Nai hay Bình Dương phát triển tốt hơn so với Long An dù về mặt địa lý bốn địa phương này gần như không khác nhau nhiều.

Với những lợi thế hiện nay nên không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Hải Dương đặt mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2035, là trung tâm công nghiệp động lực của khu vực Đồng bằng sông Hồng, qua đó, trở thành một trong 10 tỉnh kinh tế lớn nhất cả nước.

Những mục tiêu này trên thực tế không phải là quá khó với một tỉnh như Hải Dương. Điều này được thể hiện qua những con số sau đây, cụ thể, tỉnh quy hoạch phát triển 21 khu công nghiệp, trong đó, có 10 khu công nghiệp với diện tích gần 1.500 ha đã đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác có hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy lên 84%. Ngoài ra, tỉnh đã phát triển 58 cụm công nghiệp với diện tích gần 2.950 ha, trong đó, có 32 cụm công nghiệp, chiếm 55% đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy hơn 80%.

2.jpg
Hải Dương kỳ vọng trở thành trung tâm công nghiệp động lực của khu vực Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới

Nhờ vậy là tính đến trung tuần tháng 10/2022, các khu công nghiệp của Hải Dương đã thu hút 241 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một con số ấn tượng khi vượt 20% kế hoạch năm và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là có 23 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 221 triệu USD, vượt 81% so với kế hoạch năm và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ, khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Hải Dương họ luôn kinh doanh thuận lợi, có lãi nên mới mở rộng sản xuất. Trước xu hướng này, Hải Dương đang cho triển khai thêm các khu công nghiệp mới là An Phát 1, Gia Lộc, Kim Thành và mở rộng 3 khu công nghiệp là Tân Trường, Đại An, Phúc Điền với tổng diện tích là 1.135 ha. Với động thái này, Hải Dương có thêm 760 ha đất công nghiệp cho thuê, còn lại phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Theo một nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoá SSI, tỷ lệ lấp đầy các bất động sản công nghiệp tại 6 tỉnh/thành phố công nghiệp trọng điểm phía Bắc là gần 87%. Vì thế, nhiều tỉnh thành cũng xem việc phát triển bất động sản công nghiệp là một trong những chiến lược phát triển của tỉnh mình. Tuy nhiên, điều này là bình thường vì theo đánh giá của SSI, về trung và dài hạn, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp của doanh nghiệp FDI sẽ có xu hướng tăng lên và đây là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng lẫn bất động sản công nghiệp. Vấn đề còn lại, địa phương nào làm tốt hơn trong các chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài mà thôi.

Savills Việt Nam, một tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới cũng có chung nhận định tương tự về những triển vọng tích cực của bất động sản công nghiệp. Theo Savills Việt Nam, hiện nay chính phủ đã có những ưu đãi thuế dành cho các công ty công nghệ cao áp dụng cho các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, các sáng kiến bền vững và thân thiện với môi trường…. Chính những ưu đãi thuế này sẽ làm lực kéo các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam trong hiện tại lẫn tương lai.

Tuy vậy, ưu đãi thuế mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để một địa phương này có lợi thế cạnh tranh hơn các địa phương khác, theo tư vấn của Savills Việt Nam đó là lực lượng lao động.

Vì thế, để Hải Dương sớm trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2030, ngoài ưu đãi thuế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, tỉnh cũng cần chú ý đến chiến lược thu hút và đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, cùng những chính sách để giúp lao động có thể tiếp cận với tín dụng để mua nhà, xây dựng tổ ấm để có thể duy trì được một lực lượng lao động tay nghề cao, dồi dào và ổn định. Đây chính là thế mạnh giúp Hải Dương tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút doanh nghiệp FDI, để phát triển công nghiệp, làm đầu tàu gia tăng giá trị cho bất động sản công nghiệp tăng theo.

Một số chỉ tiêu mà Hải Dương muốn đạt vào năm 2030 khi tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 12,6%/năm; GRDP bình quân đầu người vào năm 2030 đạt 7.700 USD, cao hơn GDP bình quân đầu người của Việt Na dự kiến vào thời điểm đó. Cụ thể, Việt Nam đặt muc tiêu GDP bình quân đầu người vào 2030 là 7.500 USD/người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Công nghiệp sẽ kéo làn sóng bất động sản công nghiệp phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO