Sau nhiều tháng khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra, đến nay đa phần các vùng nuôi cá lồng tại Hải Dương đã “sống” trở lại, bà con phấn khởi khi thời tiết thuận lợi và cá bán được giá.
Dọc những con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh Hải Dương, khác với cảnh hàng trăm lồng cá tan hoang sau trận bão lũ lịch sử là cảnh người nuôi tích cực chăm bẵm những lồng cá để kịp phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025.
Người nuôi "tươi rói" khi giá cá nhỉnh hơn trước
Ghi nhận tại khúc sông Thái Bình đoạn qua xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương) những ngày này là cảnh người dân tất bật bên những lồng nuôi cá chép giòn, cá điêu hồng, cá lăng,… để chuẩn bị cho vụ Tết.
Ông Đinh Ngọc Dậu - Chủ tịch UBND xã Thái Tân cho biết, trên toàn xã có khoảng 70 lồng cá bị chìm, trôi và rất nhiều lồng bị hư hỏng sau trận bão lũ lịch sử. Tuy nhiên, ngay sau khi bão tan, nước rút thì đa số người nuôi cá lồng chủ động bắt tay vào khôi phục sản xuất.
Đến nay, toàn xã có khoảng 430 lồng cá đã được khôi phục, hoạt động bình thường. "May mắn là từ sau bão đến nay thì thời tiết cơ bản thuận lợi, giá cá cũng tăng nên tạo động lực cho người nuôi yên tâm vực dậy nghề" - ông Dậu cho hay.
Ông Phạm Văn Huấn (69 tuổi, trú tại xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) vừa hất gáo thức ăn xuống mặt nước cũng là lúc lũ cá chép giòn, điêu hồng khỏe mạnh lập tức ngoi lên, tranh giành đồ ăn.
Chỉ tay về phía những lồng cá của gia đình, ông Huấn phấn khởi cho biết, sau trận lũ vừa rồi thì nguồn nước sông Luộc chảy qua địa bàn có vẻ sạch hơn nên đàn cá khỏe mạnh, ít mắc bệnh.
Sau lũ, ông Huấn may mắn giữ được 10 lồng nuôi cá chép giòn và mới bán tại bè với giá 115.000-120.000 đồng/kg, cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg so với trước bão. Tính ra, mỗi lồng gia đình ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng.
Các lồng cá nuôi cung cấp cho thị trường Tết sắp tới hiện đã được thương lái ở Hà Nội về đặt cọc thu mua nên ông rất phấn khởi.
Tại xã Hà Thanh vốn có gần 600 lồng nuôi cá (nhiều nhất của huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), đến thời điểm này, hơn 20 lồng cá của người dân bị chìm, lật úp cũng đã được khôi phục.
Nhờ sự chủ động bảo vệ từ trước nên nhiều gia đình tại xã Hà Thanh vẫn giữ được lồng cá sau đợt bão, lũ vừa qua.
Ông Phạm Xuân Thức, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh chia sẻ sau đợt mưa bão, số lượng cá lồng khan hiếm nên giá bán cũng cao hơn trước.
Đặc biệt, tình hình thời tiết trong giai đoạn này thuận lợi, nước sông sạch hơn nên việc khôi phục vùng nuôi cá lồng đang diễn ra khá tốt.
Trên đoạn sông Luộc chảy qua thôn Hữu Chung, gia đình chị Nguyễn Thị Nhàn những ngày này tập trung chăm sóc gần 30 lồng nuôi các loại cá trắm, điêu hồng, cá lăng đang trong giai đoạn sinh trưởng.
Chị Nhàn chia sẻ sau bão, gia đình bán được 4 lồng cá trắm còn giữ được với giá cao hơn trước nên cũng có động lực để đầu tư nuôi tiếp.
“Hiện gia đình tôi có 9 lồng cá dự kiến được bán vào dịp Tết sắp tới, chỉ mong thời tiết tiếp tục thuận lợi để có cái Tết đủ đầy" – chị Nhàn kỳ vọng.
Mong được hỗ trợ thêm vốn vay để ổn định nghề nuôi
Để có thể nhanh chóng khắc phục thiệt hại sau bão số 3, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật phòng, điều trị bệnh thủy sản thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đã tích cực phối hợp, kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi hỗ trợ người nuôi cá lồng trên địa bàn.
Theo đó, Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Hưng Yên và Công ty HAID Hải Dương đã triển khai chương trình hỗ trợ 2 triệu con cá rô phi giống, 10 tấn thức ăn chăn nuôi và gần 20 triệu đồng tiền mặt cho người nuôi tại một số huyện trong tỉnh. Một số doanh nghiệp, đại lý thực hiện giãn nợ và giảm từ 5.000-7.000 đồng/bao thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, không ít người nuôi cá lồng vẫn đang gặp khó khăn, rất cần được hỗ trợ thêm về vốn.
Ông Nguyễn Văn Tựu (trú tại xã An Thượng, TP Hải Dương) hiện vẫn loay hoay chưa thể hồi phục như trước bão do cả 8 lồng cá nuôi trên sông Thái Bình đều bị “xóa sổ”, thiệt hại cả tỷ đồng.
Không còn tài sản thế chấp vay ngân hàng nên gia đình chỉ có thể ngược xuôi vay mượn của người thân khôi phục được 2 lồng nuôi. “Giờ tôi chỉ mong ngân hàng tạo điều kiện khoanh nợ, giảm lãi suất và nếu được thì nới rộng thêm nguồn vốn vay để có thể khôi phục nghề nuôi như trước" - ông Tựu bày tỏ.
Cùng chung cảnh, anh Đỗ Danh Chức (trú tại ở xã Minh Tân, huyện Nam Sách) cho biết đã đầu tư khoảng 700 triệu đồng để sửa chữa, thay thế khung, lưới lồng cá bị hư hỏng nhưng cũng chưa thể khôi phục được như trước.
"Chúng tôi thật sự đang khát vốn nhưng hiện không còn tài sản thế chấp để vay món mới. Nếu ngân hàng có thể xem xét tăng thêm vốn vay dựa trên những tài sản đang thế chấp thì việc vực dậy nghề chắc chắn sẽ bền vững, hiệu quả hơn” – anh Chức chia sẻ.