Diễn đàn xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản Việt Nam - Mông Cổ mở ra nhiều cơ hội hợp tác hai nước Việt Nam - Mông Cổ thuận lợi lưu thông sản phẩm.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ tăng gấp 2-3 lần
Ngày 20/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ tổ chức Diễn đàn xúc tiến thương mại nông sản Việt Nam – Mông Cổ. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm nông nghiệp quốc tế AgroViet 2024, đồng thời kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phát biểu trong Diễn đàn, ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn (PTNNNT) cho biết: "Diễn đàn xúc tiến Nông sản Việt Nam – Mông Cổ là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ngoài ra, thông qua sự kiện này, Chính phủ hai nước sẽ chia sẻ các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả hơn."
"Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ đã tăng gấp 2-3 lần trong thời gian qua (từ con số 41,5 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023). 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD và hai nước đạt mục tiêu sớm đưa kim ngạch song thương lên 200 triệu USD." - Ông Trần Công Thắng nhấn mạnh.
Việt Nam và Mông Cổ đều có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới, thủy sản, v.v.
Trong khi đó, Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước không chỉ có thể bổ trợ lẫn nhau, mà còn khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.
Nhiều cơ hội và thách thức khi hợp tác song phương
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam – Mông Cổ trong lĩnh vực nông nghiệp và trong lĩnh vực dịch vụ; tọa đàm về thúc đẩy tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Mông Cổ.
Trả lời báo Công Lý, đại biểu tham luận Bayanmurikh Sandag - TGĐ công ty Bulgan Makh Market LCC (BMM) cho rằng: "Thị trường Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, chính vì vậy mà các đoàn lãnh đạo cấp cao của Mông Cổ có sang Việt Nam ngoài việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao 2 nước thì còn để xúc tiến thương mại và đẩy mạnh kinh ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước. Tôi hy vọng những sản phẩm của Mông Cổ nói chung có thể xuất khẩu và tiếp cận gần hơn với người Việt Nam."
Tuy rằng việc hợp tác và xúc tiến 2 bên có nhiều thuận lợi nhưng nhìn vào thực tế, vẫn có những thách thức đối với Việt Nam, đánh giá về những khó khăn mà Việt Nam cần đối diện, ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT cho biết: "Hiện nay Mông Cổ chủ yếu nhập nông sản như trái cây, thịt gia cầm từ Trung Quốc và Nga - 2 nhà sản xuất rất lớn và có lợi thế mạnh về vị trí địa lý cũng như quan hệ hợp tác song phương giữa các nước cũng là có từ rất lâu. Vì vậy để đưa các sản phẩm của Việt Nam vào Mông Cổ, các doanh nghiệp cần cải thiện chuỗi logicstics để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo được chất lượng về mặt hàng chúng ta đưa sang thị trường Mông Cổ."
Ngoài ra, giao thông vận tải là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam – Mông Cổ. Phía Mông Cổ cũng bày tỏ thiện chí và cho biết hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt 3 bên Mông Cổ - Nga – Trung Quốc đã ký từ 2016 và đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam ngày 5/11/2023, Tổng thống Mông Cổ cũng chính thức nhắc lại việc Chính phủ Mông Cổ sẽ chủ động làm việc trước phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định này. Triển vọng về giao thông vận tải giữa Việt Nam và Mông Cổ trong tương lai sẽ tươi sáng.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác và phân phối thịt dê, cừu Mông Cổ tại Việt Nam được tổ chức, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại giữa hai nước.