Đời sống

Đầu tư gần 9,2 tỉ USD cho siêu dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Đào Trang 16/10/2024 - 07:39

Dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ dài hơn 175km, có vốn hơn 9 tỉ USD, chạy qua 6 tỉnh, thành phố, dự kiến khởi công trước năm 2030 vận hành từ năm 2035. Được đánh giá là dự án giao thông trọng yếu, mang ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển kinh tế, du lịch vùng miền.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM báo cáo UBND TP.HCM về tình hình các dự án kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

bat-dau-chay-thu-tuyen-metro-ben-thanh-nguon-anh-nguoiquansat.jpg
Ảnh minh hoạ

Dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ được chia thành hai giai đoạn đầu tư.

Giai đoạn 1: Tuyến đường đơn sẽ được xây dựng từ ga An Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến ga Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) với tổng chiều dài 175,2km. Tuyến đường gồm 76,6km đi thấp và 98,6km chạy trên cầu cạn và vượt sông.

Tuyến đường sắt chạy qua 6 địa phương gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Có 12 ga chính và 4 trạm khách tương lai, cùng với 3 depot lớn tại An Bình, Tân Kiên và Cần Thơ sẽ bố trí dọc tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Tuyến còn có 4 trạm bảo dưỡng và khám xe đặt tại Thạnh Đức, Tam Hiệp, Cai Lậy và Bình Minh, cùng 3 trạm bảo dưỡng hạ tầng khác.

Tuyến đường sắt này có 3 vị trí cầu vượt sông lớn (sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), cùng với 2 vị trí vượt sông đặc biệt lớn là sông Tiền và sông Hậu.

Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn này lên tới 155.433 tỷ đồng (khoảng 6,48 tỷ USD), phấn đấu khởi công trước năm 2030 và đưa vào khai thác từ năm 2035.

duongsat-tphcm-cantho-5687-1234.jpg
Một phương án hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ

Giai đoạn 2: Dự kiến sẽ được triển khai sau khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động, dự án sẽ hoàn thiện hệ thống với tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, sử dụng công nghệ điện khí hóa, phấn đấu đưa vào khai thác năm 2055 nhằm tăng năng lực vận tải hành khách và hàng hóa của toàn tuyến.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 ước tính khoảng 64.736 tỷ đồng (2,7 tỷ USD). Trước đó Bộ GTVT khởi động việc lập báo cáo từ tháng 2/2022, tuy nhiên, do cần điều chỉnh quy hoạch tại các địa phương liên quan, quá trình thẩm định và báo cáo kéo dài. Dự kiến, quá trình thẩm định được Hội đồng thẩm định nhà nước hoàn tất trong tháng 12/2024.

Sau khi hoàn thành thẩm định, dự án sẽ trình Bộ Chính trị và Quốc hội xin chủ trương đầu tư trong năm 2025.

Giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và phê duyệt dự án sẽ diễn ra từ năm 2026 đến năm 2027, với mục tiêu khởi công xây dựng trước năm 2030. Dự án sẽ bắt đầu vận hành và khai thác từ năm 2035.

Như vậy, sau khi dự kiến hoàn thiện, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ giúp vận chuyển khoảng 26 triệu tấn hàng hóa, khoảng 18 triệu hành khách mỗi năm, giúp kết nối trung tâm kinh tế lớn nhất phía Nam là TP. HCM với Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần tăng khả năng cạnh tranh kinh tế, du lịch và hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra các thị trường lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư gần 9,2 tỉ USD cho siêu dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO