Việt Nam phấn đấu cử sĩ quan công an tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc từ năm 2021, theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Chiều 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực chuẩn bị lực lượng (đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc).
Bộ Công an đã cử 10 lượt cán bộ tham gia các khóa của Liên Hợp Quốc về đào tạo sĩ quan cao cấp, kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, đào tạo ngoại ngữ, tập huấn nghiệp vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Tây Ban Nha, Australia, Thụy Sĩ, Malaysia, Trung Quốc.
Bộ Công an cũng cử 8 cán bộ tham gia ứng tuyển vào các vị trí khác nhau tại cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình tại Italia và Mỹ; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai; thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc...
"Trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực về công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc dự kiến được thành lập theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị", Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay. Từ đây, cơ quan chức năng cũng sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý và phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên Hợp Quốc từ năm 2021.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch thông tin, từ 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hoà bình tại trụ sở Liên Hợp Quốc. 46 lượt cán bộ theo hình thức cá nhân; 126 lượt cán bộ, nhân viên theo hình thức đơn vị (Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và số 2).
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (quân số khoảng 320 người).
Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hai lần Liên Hợp Quốc gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam. 29 lượt cá nhân được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 31%, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%).
"Với nguồn tiền bồi hoàn của Liên Hợp Quốc hơn 4,8 triệu USD và sự hỗ trợ của quốc tế hơn 20 triệu USD, đã góp phần giảm đáng kể ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam", tướng Lịch cho hay.
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc đã và đang thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Việt Nam đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc với các nước đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, New Zealand, Liên bang Nga. Hoạt động của lực lượng cũng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho hay, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình trong khu vực và trên thế giới, Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ trưởng Quốc phòng ban hành thông tư về lĩnh vực này, nhưng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là nhiệm vụ mới, chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội.
"Quá trình triển khai đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý như: cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý... Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là phù hợp và cần thiết", tướng Lịch nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc được Quốc hội xem xét thông qua ngay trong kỳ họp này.
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên Hợp Quốc giao cho Hội đồng Bảo an thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm tạo điều kiện chấm dứt xung đột và gìn giữ hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của Liên Hợp Quốc.