Đời sống

Có những vết thương khó liền sẹo

Đức Trí 21/07/2023 21:20

Sự hy sinh anh dũng nơi chiến trường năm xưa hay những thầm lặng giữa thời bình của các thương binh, bệnh binh, tại trung tâm điều dưỡng người có công “Long Đất” luôn là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập về tinh thần dũng cảm, truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào của dân tộc.

Chiến tranh đã đi qua nhưng ít nhiều những di chứng của chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Nó để lại cho mỗi người, mỗi gia đình và người thân của các thương binh, bệnh binh và liệt sĩ những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, để giờ đây biết bao nghĩa trang có bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao trại thương binh, bệnh binh và rất nhiều những em bé nhỏ bị dị tật được sinh ra trên đất nước này.

trung-tam-dieu-duong-thuong-binh-benh-binh-nguoi-co-cong-long-dat-..jpg
Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công “Long Đất”.

Đây là những bằng chứng tôi ác của chiến tranh là những tiếng bi ai rung động đất trời. Ngoài những mất mát, hi sinh ở chiến trường thì vẫn còn đó những di chứng thương tật, bệnh tật còn để lại trên cơ thể người lính. Cũng như, để lại cho thế hệ con cháu mai sau những vết thương khó liền sẹo.

Những người sống thầm lặng giữa thời bình

Chúng tôi có dịp ghé thăm trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công “Long Đất” đóng trên địa bàn thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong mỗi người, lòng không khỏi bồi hồi bởi cảnh đẹp làng quê của nơi đây và hơn hết là thứ cảm xúc lâng lâng ùa về khi giữa hối hả đua chen của dòng đời, lại có một nơi mà tình yêu thương và tình người còn nồng nàn nhiều đến vậy.

Giám đốc trại điều dưỡng Tống Đức Bình cho biết: Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công “Long Đất” là đơn vị nuôi dưỡng, điều trị thương bệnh binh có số lượng thương binh khá đông và thương tật nặng nhất. Ở đây, những người thương binh đã bỏ lại một phần cơ thể, bỏ lại tuổi thanh xuân và những cảm xúc tình yêu chân thành nơi chiến trường và được sống trong tình yêu thương của đồng đội.

anh-tong-duc-binh-giam-doc-trung-tam-chia-se-voi-pv-bao-cong-ly..jpg
Anh Tống Đức Bình Giám đốc trung tâm chia sẻ với PV báo Công lý.

Người đầu tiên anh giới thiệu cho chúng tôi là bác Nguyễn Văn Ni 78 tuổi, bác Ni là thương binh hạng 1/4, mất tới 95 % sức khỏe, bác đã sống ở đây hơn 40 năm. Trước kia bác hay lên cơn lắm, khi ấy bác có thể phá bất kỳ cái gì, đánh bất kỳ ai, có biết bao lần những hộ lý, bác sỹ đã bị đánh tím cả người.

Gần đây, do quá trình điều trị có hiệu quả nên bác đã khá hơn nhiều, đây là những thương binh dạng đặc biệt, họ mất đến hơn 90% sức khỏe. Tôi lại gần khẽ chào bác Ni, bác giơ tay chào tôi như kiểu một nhà binh. Tôi tiến lại gần và hỏi: “Bác có muốn gì không?”, có vẻ như bác không để ý đến câu hỏi của tôi cho đến khi anh Bình Giám đốc trung tâm nhắc lại câu hỏi thì bác mới trả lời: “Bác muốn về quê…”, rồi chẳng nói gì nữa, phá lên cười và bỏ đi chỗ khác…

Một câu chuyện tình cảm động

Theo chân anh Bình, chúng tôi tìm về khu phố Hải Sơn, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thăm gia đình một thương binh hạng nặng ¼. Đó là trường hợp của bác Nguyễn Văn Hạnh cũng là một trong những thương binh thuộc quân số của trung tâm.

bac-nguyen-van-ni-thuong-binh-hang-14-tai-trung-tam..jpg
Bác Nguyễn Văn Ni Thương binh hạng 1/4 tại trung tâm.

Đón chúng tôi là một người đàn ông đang ngồi co ro trên chiếc ghế, khuôn mặt khắc khổ, bên cạnh là một phụ nữ với đôi chân trần lấm bùn đất. Khi biết chúng tôi đến để xin viết bài về bác, bác vui ra mặt: “May cho chú đấy, hôm trước có một anh nhà báo đến định phỏng vấn chồng tôi nhưng thật không may đúng vào hôm anh lên cơn, quát mắng ầm ĩ và chỉ thẳng ngón tay về phía anh phóng viên hô bắn bắn… Cuối cùng anh đành phải ra về mà chưa ghi được lời nào”.

Cô gái Trần Thị Mai Cúc hơn 40 năm trước cũng là một bệnh binh mất đến 86% sức khỏe, không hiểu sao do duyên số hay một định mệnh nào đó, khiến Mai đã quyết định lấy anh thương binh dạng đặc biệt nằm liệt giường này.

Tôi hỏi: “Ngày đó, lý do gì khiến bác quyết định lấy bác Hạnh?”. Mắt bác Mai ánh lên niềm vui và nói: “Vì anh ấy có một ý chí, một ý chí sắt đá mà cuộc đời tôi chưa bao giờ gặp người đàn ông nào dũng cảm, kiên định đến thế”. “Không hiểu sao, ngay từ lần gặp nhau ấy, mặc dù anh bị hỏng cả hai mắt và nhiều mảnh đạn trong đầu, lên cơn triền miên nhưng tôi vẫn nguyện với lòng mình sẽ gắn bó hết cuộc đời với người thương binh này, một người anh hùng trong lòng tôi!”, bác Mai tự hào chia sẻ.

Bác Mai kể thêm, “ngày mới về ở với nhau anh yếu lắm, gần như chỉ nằm một chỗ. Ngày đó, ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước, tôi đã bán tất cả những gì có thể, cả kỷ vật ngày cưới của mẹ tôi tặng cho tôi để mua thêm thuốc thang, bồi dưỡng cho anh. Dần dần, sức khỏe của anh ngày càng được cải thiện, anh có thể giúp được tôi những việc nhỏ trong nhà. Cho đến giờ, tôi không có điều gì ân hận khi quyết định lấy anh. Đã vài lần tôi cứ tưởng, anh đã tuột khỏi đôi bàn tay của tôi ra đi và không biết tôi sẽ sống ra sao khi mất anh”, mắt bác Mai ngân ngấn lệ.

vo-chong-bac-nguyen-van-hanh-tai-trung-tam.(1).jpg
Vợ chồng bác Nguyễn Văn Hạnh tại trung tâm.

Giọng bác Mai trầm xuống buồn: “Vợ chồng tôi được như thế này là hạnh phúc lắm rồi, còn hơn nhiều đồng đội của tôi, những người thương binh khác khổ lắm vì họ không có gia đình. Với tôi bây giờ chỉ ước có một ngày được vào lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho những người đồng đội của tôi đã ngã xuống sau những trận đánh năm xưa, nhưng có lẽ là không thể”.

Đột nhiên, mắt bác Hạnh chợt nhìn thẳng về phía trước đến ngây dại, như biết điều gì sắp xảy ra, bác Mai vội kéo tôi ra ngoài hiên và nói nhỏ: “Thôi chú về đi không có lại phiền đấy vì cứ mỗi lần nói về chiến tranh là ông ấy nhà tôi lại lên cơn”. Chào hai bác ra về, tôi ra đến cổng còn nghe thấy tiếng bác hô xung phong, rời nhà bác khi đã xế chiều, một cơn mưa cũng vừa ập đến, tôi đứng tựa lưng vào một mái nhỏ ven đường mà lòng ngổn ngang, nghĩ về những vết thương của chiến tranh để lại…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có những vết thương khó liền sẹo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO