Diễn đàn pháp lý

Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính

B.Dương 30/06/2024 - 08:07

Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BTP quy định chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án (THA) hành chính.

Thông tư quy định, cơ quan nhận báo cáo thống kê gồm:

1. Bộ Tư pháp

2. UBND, Chủ tịch UBND cùng cấp

3. Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp

4. Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng

5. Tư lệnh cấp quân khu

6. Cục Thi hành án dân sự

7. Phòng Thi hành án cấp quân khu

8. Chi cục Thi hành án dân sự.

bao-cao-thong-ke-la-gi-2-16684953942511186339041-171956424069911181044.jpg
Ảnh minh họa

Kỳ báo cáo thống kê

Báo cáo thống kê Thi hành án dân sự bao gồm báo cáo thống kê định kỳ và báo cáo thống kê đột xuất:

Báo cáo thống kê định kỳ gồm kỳ báo cáo thống kê 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng, 12 tháng. Kỳ báo cáo thống kê 12 tháng là kỳ báo cáo thống kê năm.

Kỳ báo cáo thống kê được tính bắt đầu từ ngày 01/10 của năm hiện tại, kết thúc vào ngày cuối tháng của các kỳ báo cáo thống kê. Năm báo cáo thống kê THA dân sự bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước, kết thúc vào ngày 30/9 năm sau.

Báo cáo thống kê đột xuất được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền, nhằm thực hiện các yêu cầu về quản lý nhà nước trong THA dân sự, theo dõi THA hành chính. Văn bản của người có yêu cầu báo cáo thống kê đột xuất phải nêu rõ thời gian, thời hạn, nội dung báo cáo thống kê và các yêu cầu khác (nếu có) để cơ quan, cá nhân được yêu cầu thực hiện.

Giá trị pháp lý của số liệu thống kê

Số liệu thống kê THA dân sự, theo dõi THA hành chính là bộ phận của số liệu thống kê ngành Tư pháp; là một trong những căn cứ để thực hiện việc quản lý, điều hành công tác THA dân sự, theo dõi THA hành chính. Sau khi công bố, phổ biến, số liệu thống kê THA dân sự, theo dõi THA hành chính có giá trị pháp lý. Không tổ chức, cá nhân nào được thay đổi hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân khác công bố, phổ biến số liệu thống kê THA dân sự sai sự thật.

Số liệu và thông tin trong báo cáo thống kê THA dân sự được sử dụng làm một trong những căn cứ khi quyết định một số vấn đề cơ bản sau:

1. Đánh giá kết quản thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ THA dân sự; tình hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan THA dân sự. Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký và các công chức khác trong các kỳ báo cáo, năm báo cáo.

2. Lập kế hoạch THA dân sự và giao chỉ tiêu, nhiệm vụ THA dân sự hàng năm cho các cơ quan THA dân sự và Chấp hành viên.

3. Phân bổ biên chế; đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, miễn nhiệm Chấp hành viên, Thẩm tra viên, công chức của cơ quan THA dân sự.

4. Xác định mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ và tổng hợp, bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan THA dân sự và Chấp hành viên.

5. Thực hiện chế độ tài chính trong thi hành dân sự; xem xét quyết định việc đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở, kho vật chứng; trang cấp phương tiện làm việc cho Hệ thống THA dân sự và các nội dung khác liên quan đến bảo đảm tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ THA dân sự.

6. Báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

7. Đánh giá kết quả THA hành chính làm căn cứ kiến nghị xử lý trách nhiệm trong THA hành chính.

8. Sử dụng vào các công việc khác nhằm mục đích quản lý, điều hành hoạt động THA dân sự.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/7/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO