Chàng trai dân tộc Thái dám nghĩ, dám làm

Nguyễn Vân| 23/02/2023 15:13

BVCL - Với tinh thần đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên anh Vì Văn Thảo (ở bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những vùng đất cằn cỗi thành những vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Diện tích đất trồng cam này trước đây gia đình anh Vì Văn Thảo chủ yếu trồng cây tre bát độ, thu nhập bấp bênh không hiệu quả. Với mong muốn vươn lên phát triển kinh tế, anh Thảo đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện chuyển sang trồng cây cam, quýt. Ban đầu anh gặp khá nhiều khó khăn về lựa chọn cây giống, kỹ thuật chăm sóc.

Sau một thời gian học hỏi và tìm hiểu kinh nghiệm ở nhiều mô hình, vườn cam của anh đã cho thu nhập và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình anh Thảo có hơn 2,5 ha cây trồng gồm cam ruột đỏ, cam C36, quýt thái với hơn 1200 gốc, trừ chi phí mỗi năm anh cũng thu về trên 200 triệu đồng.

anh-1-sop-cop-son-la.jpg
Vườn cam của gia đình anh Vì Văn Thảo

Anh Vì Văn Thảo, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nói: Tôi đã trực tiếp xuống các hợp tác xã ngoài Sơn La để xem xét chọn cây giống để chồng với diện tích đất của tôi hiện nay hiệu quả kinh tế của cây cam đến năm thứ hai cho thu hoạch quả khoảng 4t giá bán từ 25 đến 35.000/kg đối với cây cam so với cây tre bats độ Gia đình tôi trồng mấy năm về trước hiệu quả kinh tế tăng gấp ba đến bốn lần so với tre bát độ.

Không chỉ phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, anh Thảo luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho đoàn viên thanh niên ở địa phương cùng nhau xây dựng mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc, mang lại hiệu quả kinh tế.

Anh Tòng Văn Tiệp, bản Phổng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La cho biết: Sau khi tôi đi thăm quan vườn của đồng chí Thảo tôi cũng có định hướng để kiếm thêm thu nhập, về trồng cây xây dựng vườn ươm nữa bởi vì bây giờ bản thân cũng đang xây dựng một vườn ươm nhưng mà chưa biết trồng cây gì. Sau khi được đồng chí Thảo tư vấn thì chắc là bản thân sẽ trồng cây cam để kiếm thêm thu nhập hơn và để có nguồn cung cấp cho bà con về vấn đề cây giống nữa.

anh-2-sop-cop-son-la.jpg
Đoàn viên thanh niên trong xã đến thăm và học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả

Với việc áp dụng kỹ thuật vào canh tác, vươn cam của anh Vì Văn Thảo phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt nên được nhiều thương lái lựa chọn để tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bà Bùi Thị thu Hà, tổ 2, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã chia sẻ: "Cam của Sốp Cộp có một điểm là mỏng vỏ và rất là ngọt, bên trong lượng nước rất là nhiều, có một chút đó là lượng cam ở đây có khu vực đất nó bị hơi nám, nhưng quả nám đấy bóc ra vẫn đảm bảo chất lượng, và năng suất quả rất là sai quả. Họ rất thích và ưa chuộng mặt hàng này, mình chạy mấy chuyến xuống đầu dưới họ rất thích cam này và họ vẫn điện lên, gọi lên cho mình lấy thường xuyên".

Không chỉ dừng lại ở đó, với mong muốn phát triển hơn nữa, anh Vì Văn Thảo có dự định sẽ phát triển thêm cây trồng, mở rộng diện tích trồng cam, tiếp tục tìm tòi học hỏi nhưng phương pháp hiệu quả và áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn cây của mình để đạt chất lượng, năng suất cao hơn.

“Mô hình này về cơ bản gia đình tôi đã thực hiện được 90%. Trong thời gian tới thứ nhất là tôi sẽ tiếp tục triển khai trồng thêm một số cây như là cam đường canh và dự định sẽ lắp hệ thống tưới nước bằng băng thông để nâng cao năng suất và giảm sức lao động cho gia đình”, anh Vì Văn Thảo chia sẻ thêm.

anh-3-sop-cop-son-la.jpg
Anh Vì Văn Thảo chăm sóc vườn cam đang vào mùa thu hoạch

Mô hình trồng cây ăn quả của anh Thảo đã đem lại hiệu quả kinh tế, được đoàn xã đánh giá cao và lựa chọn là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để đoàn viên thanh niên ở địa phương học tập.

Anh Lò Văn Cường, Bí thư Đoàn xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nói: Thời gian qua đoàn xã cũng đã triệu tập các đoàn viên thanh niên trên xã để đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi để học tập áp dụng cho gia đình. Điển hình như mô hình đồng chí Thảo qua quá trình cho các đoàn viên tham gia thì các đồng chí cũng học hỏi được kinh nghiệm và những kết quả của mô hình mình đã chọn, mình đã áp dụng.

Lựa chọn con đường phát triển kinh tế từ mô hình cây ăn quả có múi, anh Vì Văn Thảo đã cho thấy sự nhiệt huyết của tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu, không chỉ cho bản thân và gia đình mà còn góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt là cổ vũ phong trào thanh niên khởi nghiệp ở vùng biên, vùng sâu vùng xa của tỉnh Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai dân tộc Thái dám nghĩ, dám làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO