Đời sống

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền giả qua mạng dịp cận Tết

T. T 21/01/2025 - 10:10

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thông tin, cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo như lừa đổi tiền giả qua mạng dịp cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Thời gian gần đây, hiện tượng mua bán tiền giả trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok đang ngày càng phổ biến và gây lo ngại. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, đưa ra các lời mời mua bán, đổi tiền giả, mua tour du lịch với giá cực kỳ hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tiền thật của người bị hại.

tiengia.jpg
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền giả qua mạng dịp cận Tết. Ảnh minh họa

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tiền giả" hàng loạt các tài khoản cá nhân và hội nhóm liên quan đến hoạt động liên quan đến “tiền giả” sẽ xuất hiện. Các thông tin bình luận phía dưới phần lớn là người bán nhắn nhủ sẽ báo giá riêng tư vào tài khoản cá nhân của khách hàng.

Người bán thường để lại thông tin mập mờ trên bài đăng và khuyến khích khách hàng nhắn tin trực tiếp để được báo giá. Ngoài ra, ngay khi người mua truy cập vào trang cá nhân của người bán, họ sẽ lập tức nhận được tin nhắn riêng giới thiệu về dịch vụ bán tiền giả.

Các bài viết và clip quảng cáo rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ như 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng, có tài khoản rao bán 1 triệu đồng được 14 triệu đồng không phải đặt cọc trước và được kiểm tra hàng.

Đặc biệt, người mua càng đặt số lượng lớn, tỷ lệ quy đổi sẽ càng ưu đãi. Việc thanh toán không yêu cầu đặt cọc trước; khách hàng nhận hàng qua bưu điện, kiểm tra toán trực tiếp cho nhân viên bưu điện hoặc người giao tới và được kiểm tra trước khi nhận hàng. Đáng chú ý, các tin nhắn từ các tài khoản là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi chiếm phần lớn.

Để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, các ngân hàng lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai, không nhấp vào các đường link...

Về nhu cầu đổi tiền mới phục vụ mừng tuổi, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch. Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức.

Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy xác minh kỹ càng danh tính đối tác, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin liên quan. Không tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để trở thành sự thật. Sử dụng các kênh giao dịch chính thức và có giấy tờ hợp pháp. Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền trước. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bởi vậy, người dân tuyệt đối không tham gia vào hoạt động mua bán tiền giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mua bán tiền giả qua mạng dịp cận Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO