Văn hóa - Giải trí

Cần tháo nút thắt để du lịch ĐBSCL “cất cánh”- Bài 2: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao

Tâm Phúc 08/06/2023 - 18:35

LTS: Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, là khu vực được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu ôn hòa, sông ngòi dày đặc, đất đai trù phú … đã tạo lên những ưu thế nổi bật trong việc phát triển du lịch. Thế nhưng du lịch tại khu vực vẫn chưa thực sự bứt phá và thiếu bản sắc, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Du lịch tại các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đang có bước phát triển tương đối tốt, trong quá trình phát triển du lịch, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng, mặc dù được chú trọng đầu tư nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thiếu nguồn nhân lực

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đến năm 2022, tổng số lao động du lịch vùng ĐBSCL là 52.538 người, lao động qua đào tạo là 32.079 người, đạt tỉ lệ 61,05%. Trong khi đó năm 2019, ĐBSCL đón 47 triệu lượt du khách và sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến hết năm 2022, tổng khách đến ĐBSCL ước đạt hơn 40 triệu lượt và doanh thu ước đạt 32,5 ngàn tỷ đồng.

Với tốc độ phát triển khá tốt, ngành du lịch đã và đang trở thành một trong những trọng tâm phát triển của các tỉnh trong vùng ĐBSCL, nhưng hiện tại các địa phương trong vùng vẫn đang thiếu nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong du lịch.

z4412820786685_69ba1805e74c9dca6c28dfb51fb16a84.jpg
Mặc dù có bước phát triển hơn nhưng nhân lực làm việc trong ngành du lịch ĐBSCL nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Theo báo cáo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo tại ĐBSCL chiếm 51%, lao động có trình độ đại hoc và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kể khoảng 8%.

Những năm gần đây, trình độ nhân lực làm trong ngành du lịch tại ĐBSCL có tăng về số lượng và chất lượng nhưng theo đánh giá chung thì trình độ vẫn ở mức thấp, phần lớn nhân lực chỉ qua đào tạo cấp tốc, ngắn hạn, theo các khóa học từ 1 tháng đến 12 tháng.

Số lao động du lịch có trình độ đại học, trên đại học trong ngành du lịch còn khiêm tốn, chất lượng đào tạo kỹ năng còn rất hạn chế, đặc biệt đối với những tiêu chí chủ yếu có ảnh hưởng đến phát triển bền vững như: kỹ năng quản lý, lãnh đạo, lập kế hoạch… Nhân lực làm việc trong ngành du lịch tại ĐBSCL cũng bộc lộ sự thiếu hụt đối với năng lực cơ bản, năng lực quản lý và năng lực du lịch có trách nhiệm.

z4412820771561_648915b0cd9f5ca8780dd22a10181c7f.jpg
Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch và cũng là yếu tố để thu hút du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại ĐBSCL

ĐBSCL có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, homestay… tuy nhiên qua thực tế cho thấy, nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao làm việc trong các loại hình du lịch trên nói riêng và ngành du lịch tại khu vực ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 84 cơ sở lưu trú gồm 15 khách sạn được xếp hạng từ 1 đến 5 sao và các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ đảm bảo đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, với số lượng các công ty lữ hành, các nhà hàng, quán ăn, cùng các trung tâm mua sắm thương mại, khu điểm du lịch…, du lịch Cà Mau hiện đang cần một lượng lớn lao động phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, theo thống kê cụ thể, lao động toàn ngành du lịch Cà Mau tính đến cuối năm 2022 có tổng số 4.800 lao động trực tiếp trong du lịch. Trong đó, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch của tỉnh chiếm khoảng 62,4% trên tổng số lao động toàn ngành và khoảng 37,6% chưa qua đào tạo chính quy.

z4412814032138_939cd0467bd7d98ca0e612b3de1daaa7.jpg
Ngành du lịch tại Cà Mau đã và đang có bước phát triển mạnh, tuy nhiên nguồn nhân lực làm du lịch của tỉnh thiếu về cả số lượng và chất lượng

Trong tổng số 62,4% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 18,6% lao động có trình độ đại học và sau đại học; 29% lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng; 52,4% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 40% lao động trong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau; trong đó, chủ yếu là Tiếng Anh. Các con số này cho thấy, nguồn nhân lực của tỉnh không những thiếu về số lượng mà còn thiếu trầm trọng đội ngũ được đào tạo bài bản.

Ngay tại TP Cần Thơ, một trung tâm du lịch lớn của vùng ĐBSCL thì nguồn nhân lực chất lượng cao cũng khan hiếm, các doanh nghiệp có quy mô lớn cũng khó tuyển được nhân lực có chất lượng cao vào làm việc.

“Chảy máu” nhân lực chất lượng cao

Theo lãnh đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Trà Vinh, trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh rất quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nhất là loại hình du lịch công đồng và du lịch có trách nhiệm. Tuy nhiên nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh còn hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch.

z4412824484718_06b2bcb4fb2340a1b7211ca4f8cc4d3c(2).jpg
Nguồn nhân lực trong ngành du lịch tại ĐBSCL chưa đáp ứng được yêu cầu 

Thời gian qua, ngành du lịch của tỉnh Long An đã đạt được những kết quả tích cực, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng được chú trọng đầu tư. Nguồn nhân lực của ngành tiếp tục được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, theo đó số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh ngày càng phát triển và nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như các kỹ năng phục vụ du khách. Tuy nhiên với yêu cầu ngày càng cao của ngành, nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực du lịch tại Long An hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực thế.

z4412824677666_f62548685ff3c8cb0623d86add4b36d8.jpg
Với nhiều điểm đến, nhiều sản phẩm du lịch, thì nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao rất cần cho ngành du lịch ĐBSCL

Tại TP Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, do có nhiều địa điểm du lịch, nhiều cơ sở lưu trú, nhiều khu vui chơi, giải trí, thu hút đông du khách, nên thời gian qua, nhân sự đặc biệt là nhân sự chất lượng cao trong ngành du lịch đã và đang tập trung về các địa phương này và đáng chú ý là một lượng lớn nhân sự chất lượng cao của ĐBSCL tập trung về TPHCM.

z3994066578797_91e4a435fdc9bffcd009e243a9c25a3e.jpg
Tình trạng "chảy máu" nhân lực chất cao đã và đang diễn ra trong ngành du lịch tại ĐBSCL

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, hàng năm, tỉnh vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nguồn nhân lực tại chỗ tuy nhiên, sau thời gian làm việc tại tỉnh khi tay nghề cứng, đội ngũ nhân lực này lại đi đến các tỉnh có du lịch phát triển mạnh hơn để làm việc. Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh Vĩnh Long đang bị thiếu và nguyên nhân chính là “chảy máu nguồn nhân lực” chất lượng cao về các địa phương có mức lương cao và có chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tháo nút thắt để du lịch ĐBSCL “cất cánh”- Bài 2: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO