Văn hóa - Giải trí

Cần tháo nút thắt để du lịch ĐBSCL “cất cánh” - Bài 1: Thiếu sản phẩm du lịch đặc thù

Tâm Phúc 07/06/2023 19:22

LTS: Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, là khu vực được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu ôn hòa, sông ngòi dày đặc, đất đai trù phú … đã tạo lên những ưu thế nổi bật trong việc phát triển du lịch. Thế nhưng du lịch tại khu vực vẫn chưa thực sự bứt phá và thiếu bản sắc, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thời gian qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao, đẩy mạnh phát triển du lịch. Tuy đã thu được những kết quả tích cực, nhưng du lịch tại các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.

Chưa phát huy hết bản sắc riêng của từng khu vực

200622a1.jpg
Lợi thế là vùng sông nước, khí hậu ôn hòa... đã mang về cho du lịch ĐBSCL nhiều kết quả tích cực và phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19

Tỉnh Long An đã và đang quan tâm đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch. Với lợi thế về địa hình, đa dạng về nguồn động thực vật đặc hữu, khí hậu ôn hòa, Long An đang từng bước xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn, chăm sóc sức khỏe, thưởng thức ẩm thực sạch, đặc sản địa phương thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

z4411163747098_fd2861a97cdc47234a1c7f201d09035c.jpg
Du khách tham quan Lăng Quận công Nguyễn Huỳnh Đức tại Long An

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An có 124 di tích (lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ). Với hệ thống các di tích phong phú, đa dạng về nội dung và loại hình nên số lượng khách đến tham quan tại các di tích ngày càng tăng. Năm 2022, Long An đã đón khoảng 650.000 lượt khách, trong đó, có 8.500 lượt khách quốc tế, tăng 4 lần so với kế hoạch, doanh thu 325 tỉ đồng.

anh-2.jpg
Ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều kết quả tích cực sau đại dịch Covid-19

Ngành du lịch tỉnh Trà Vinh đã tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch của tỉnh như: Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án khu tham quan, nghỉ dưỡng biển Ba Động; làm việc với các chủ đầu tư dự án điện gió để khai thác phát triển du lịch; nâng cấp điểm du lịch cộng đồng. Khuyến khích và hỗ trợ các thành phần kinh tế và các hộ dân đầu tư homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

img_4430.jpg
Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Trà Vinh, nơi thu hút rất đông du khách đến tham quan

Năm 2022, tổng lượt khách du lịch đến Trà Vinh đạt 1.445.000 lượt, trong đó có 18.400 lượt khách quốc tế, 1.426.600 lượt khách nội địa; 347.386 lượt khách lưu trú, công suất phòng bình quân đạt 55%, tổng doanh thu ước đạt 898,700 tỷ đồng.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, ngành du lịch đang tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, đồng thời cũng đang cùng các doanh nghiệp lữ hành xây dựng lại tour tuyến nội tỉnh có gắn kết các điểm đến. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành tỉnh liên kết với nhiều doanh nghiệp lữ hành tỉnh bạn để gắn kết tour, xây dựng tour dài, tour liên kết phục vụ du khách, trong đó có các di tích tiêu biểu của tỉnh, các làng nghề truyền thống để quảng bá du lịch văn hóa, làng nghề của địa phương.

anh-1.jpg
Nhiều địa phương tại ĐBSCL đã và đang triển khai các đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Hiện nay một số địa phương đã phối hợp với ngành du lịch xác định sản phẩm đặc trưng và đang tập trung giải pháp xây dựng như: huyện Vũng Liêm, thị xã Bình Minh đã xây dựng đề án phát triển du lịch; huyện Mang Thít đang phối hợp với các ngành liên quan để thúc đẩy triển khai nhanh đề án di sản đương đại.

Trên cơ sở đề án cơ cấu lại ngành du lịch được triển khai, huyện Long Hồ và huyện Trà Ôn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, rà soát nhu cầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng nhằm tạo điểm nhấn du lịch tại các địa phương như: làng nghề trồng mai vàng Phước Định tại xã Bình Hòa Phước; Cù Lao Mây tại xã Phú Thành. Năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đón khoảng 1 triệu du khách, trong đó khách quốc tế đạt 5.500, doanh thu ước đạt 480 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, du lịch các địa phương trong vùng ĐBSCL đã phục hồi khá tốt sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch trong khu vực ĐBSCL còn thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, còn na ná giống nhau như: các làng nghề truyền thống, đi thuyền ba lá, thăm ruộng lúa, tát mương bắt cá, thăm vườn trái cây, sinh thái, du lịch trên kênh rạch…

a13.jpg
Tuy có phát triển và phục hồi tốt sau đại dịch Covid-19, nhưng ĐBSCL vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù

Hơn nữa, trong các sản phẩm du lịch đặc thù hiện tại của khu vực còn thiếu tính kết nối, thiếu các sản phẩm liên kết giữa các vùng trong tỉnh, giữa các tỉnh trong ĐBSCL, giữa ĐBSCL với các khu vực Đông Nam Bộ. Trừ TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thì lượng du khách quốc tế đến với ĐBSCL vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của vùng.

z4411003030107_a55bc974a978467857e43909ed6429da.jpg
Du khách trong nước và nước ngoài đến với ĐBSCL tuy có tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng

Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL, hoạt động du lịch tại các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL đã phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19, kết quả năm 2022 là đáng khích lệ, là sự nỗ lực không ngừng của các địa phương; tuy nhiên, với tiềm năng, lợi thế sẵn có thì kết quả nêu trên vẫn chưa tương xứng, trong đó các sản phẩm du lịch đặc thù chưa được hình thành rõ nét, vẫn còn nhiều nét tương đồng giữa các địa phương, qua đó chưa tạo được bản sắc, dấu ấn riêng biệt trong lòng du khách.

Cần khai thác có hiệu quả, tăng cường liên kết

Thực hiện Quyết định 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/1/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), về việc phê duyệt đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, tỉnh Vĩnh Long phát triển sản phẩm du lịch tham quan trải nghiệm cộng sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa; xây dựng không gian bảo tàng lúa nước ĐBSCL tại tỉnh Vĩnh Long; lưu trú nhà dân…

z4410984224961_019669240e5560bf654166c6c7b93bcb.jpg
Sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là du lịch nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL còn thiếu bản sắc riêng biệt

Một số địa phương trong tỉnh đã phối hợp với ngành du lịch xác định sản phẩm đặc trưng và đang tập trung giải pháp xây dựng như: Huyện Vũng Liêm, thị xã Bình Minh đã xây dựng đề án phát triển du lịch; huyện Mang Thít đang phối hợp với các ngành liên quan để thúc đẩy triển khai nhanh đề án di sản đương đại Mang Thít… Tuy nhiên, một số sản phẩm du lịch đặc thù đang xây dựng tại tỉnh Vĩnh Long bị chậm tiến độ như: Bảo tàng nông nghiệp; làng nghề gạch gốm; mô hình du lịch cộng đồng làng mai; mô hình du lịch cộng đồng cù lao Mây.

anh-4.jpg
Du khách viếng thăm một ngôi chùa Khmer tại ĐBSCL

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Long cho hay, mặc dù đã triển khai đề án xây dựng sản phẩm đặc thù nhưng một vài địa phương trong tỉnh chưa gắn kết được nông nghiệp, nông thôn mới với du lịch; chưa phát huy được các giá trị di tích gắn với du lịch; chưa chủ động trong tổ chức hay đăng cai tổ chức các sự kiện thu hút khách và hạ tầng giao thông chưa đồng bộ…

Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Long An cho biết, Long An chưa khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc; chưa tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao; sản phẩm du lịch phần lớn chỉ dựa vào các điểm di tích lịch sử - văn hóa. Việc thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào phát triển du lịch còn gặp khó khăn.

dot-pha-du-lich-long-an.jpg
Du lịch ĐBSCL cần có sản phẩm đặc thù, thu hút du khách

Thiếu các doanh nghiệp đầu tư mang tính chiến lược và chuyên nghiệp. Tập quán sản xuất của người dân đã hình thành từ lâu đời nên khó thay đổi trong thời gian ngắn. Song song với thuận lợi về tự nhiên thì Long An cũng chịu ảnh hưởng của tính thời vụ du lịch rất lớn. Cơ sở vật chất, di tích tại địa phương chưa được đầu tư, tôn tạo đúng mức để đảm bảo đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu kết nối với các khu/điểm du lịch trọng yếu. 

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh gặp khó khăn chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch với quy mô lớn, hiện đại như: dịch vụ vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú từ 4 – 5 sao, dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tháo nút thắt để du lịch ĐBSCL “cất cánh” - Bài 1: Thiếu sản phẩm du lịch đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO