Bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới: Điều kiện cần thiết để khắc phục thiệt hại

Lâm Thanh| 13/11/2022 07:00

BVCL - Khi xảy ra tai nạn, việc khắc phục thiệt hại sẽ giúp chủ xe giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho nạn nhân cũng như nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi tham gia bảo hiểm người dân cần nắm rõ các quy định liên quan đến việc giám định thiệt hại cũng như các trường hợp được doanh nghiệp bảo hiểm đền bù thiệt hại.

cf6243f53625f07ba934.jpg
Hình ảnh minh họa (nguồn internet)

Tai nạn giao thông xảy ra là điều không ai mong muốn, để lại những hậu quả và di chứng lâu dài về con người và vật chất. Trong nhiều trường hợp, người gây tai nạn không có khả năng khắc phục thiệt hại, từ đó nảy sinh những vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến công bằng an sinh xã hội.

Ngày 15/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008, trải qua quá trình thực hiện đã có nhiều trường hợp đã được nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Chính sách này được đánh giá là một trong số các giải pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông, thể hiện ý nghĩa nhân đạo của chính sách, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới đã giúp chủ xe giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho nạn nhân cũng như nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu không may gây ra tai nạn giao thông. Bên thứ ba - nạn nhân được hỗ trợ tài chính nhanh chóng và kịp thời, có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, được khắc phục các thiệt hại về người, tài sản, sức khỏe. Chính vì vậy, loại hình bảo hiểm này được đánh giá là chính sách an sinh xã hội cần thiết.

Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, người lái xe và bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Chi phí giám định thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả.

Trường hợp chủ xe cơ giới, người lái xe không thống nhất về nguyên nhân và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm xác định, hai bên có thể trưng cầu giám định viên độc lập (trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng). Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được việc trưng cầu giám định viên độc lập, một trong các bên được yêu cầu Tòa án nơi xảy ra tổn thất hoặc nơi cư trú của người được bảo hiểm chỉ định giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên.

Những trường hợp kết luận của giám định viên độc lập khác với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả chi phí giám định viên độc lập. Còn trường hợp kết luận của giám định viên độc lập trùng với kết luận giám định của doanh nghiệp bảo hiểm, chủ xe cơ giới, người lái xe phải trả chi phí giám định viên độc lập.

Trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể thực hiện được việc giám định, doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối không bồi thường thiệt hại khi chủ xe cơ giới có hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại; người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện TNDS của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện TNDS của chủ xe Cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

Bên cạnh đó, người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe (GPLX) hoặc sử dụng GPLX không hợp lệ (có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý GPLX) hoặc sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, GPLX bị tẩy xóa hoặc sử dụng GPLX hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng GPLX không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có GPLX. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc bị thu hồi GPLX thì được coi là không có GPLX thì các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ từ chối không bồi thường thiệt hại.

Những trường hợp thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật; thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn, thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt; thiến tranh, khủng bố, động đất cũng là những trường hợp bị bên doanh nghiệp bảo hiểm từ chối không bồi thường thiệt hại.

Khi xảy ra tai nạn giao thông là điều mà không ai mong muốn, nó sẽ để lại những hậu quả và di chứng lâu dài cả về con người và vật chất, chính vì vậy mỗi người khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, có ý thức tự giác tham gia Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm khắc phục thiệt hại, giúp chủ xe giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho nạn nhân cũng như nhanh chóng ổn định cuộc sống, sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh nếu không may gây ra tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới: Điều kiện cần thiết để khắc phục thiệt hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO